Ông Vương Đình Huệ: Cần loại bỏ quy định lỗi thời cản trở du lịch

Các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về biện pháp hành động sau khi có Nghị quyết về miễn thị thực đơn phương cho năm nước Tây Âu và Belarus; chất lượng, tính chuyên nghiệp và sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Ông Vương Đình Huệ: Cần loại bỏ quy định lỗi thời cản trở du lịch ảnh 1Khách du lịch thăm Phú Quốc, Kiên Giang. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới là chủ đề cuộc hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 7/7 tại Hà Nội.

Cuộc hội thảo thu hút hàng trăm đại biểu đại diện cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các Viện nghiên cứu, các chuyên gia, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cùng thảo luận, đóng góp ý kiến.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, cạnh tranh khốc liệt hiện nay xuất hiện nhiều yếu tố mới, nhiều biến động khó lường, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, đòi hỏi du lịch Việt Nam cần thực sự đổi mới để đủ năng lực đón nhận cơ hội và vượt lên thách thức.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 8/12/2014 về một số giải pháp thúc đẩy du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới. Liên tiếp trong các phiên họp thường kỳ tháng 3, 5 và 6/2015, Chính phủ liên tiếp ban hành Nghị quyết 25/NQ-CP; số 39/NQ-CP và số 46/NQ-CP trong đó nhấn mạnh đến các nội dung, biện pháp nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch đã đề ra trong Nghị quyết 92.

Ngày 2/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg, tạo thêm công cụ cho ngành du lịch Việt Nam thực hiện các biện pháp thiết thực nhằm cải thiện hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế; cải thiện môi trường kinh doanh du lịch của Việt Nam, nâng cao chất lượng điểm đến cũng như đảm bảo sức hấp dẫn, sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Hội thảo "Phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới" cũng tập trung bàn về các nội dung, biện pháp then chốt, thiết thực giải quyết từng nội dung cụ thể của Nghị quyết 92 trong thực tế để tạo sự chuyển biến tích cực, hiệu quả cho ngành du lịch...

Tại hội thảo này, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cũng có bài tham luận về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phát triển du lịch." Trong đó, ông Vương Đình Huệ cho biết với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc gồm tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên xã hội và nhân văn là những lợi thế riêng có để Việt Nam phát triển du lịch bền vững.

Sau 30 năm nhìn lại, ngành du lịch Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng trân trọng nhưng cũng bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Trong đó, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chưa tương xứng với nguồn tài nguyên du lịch của đất nước; đóng góp của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước chưa thực sự vượt trội so với các ngành khác. Điều này là do nhận thức về du lịch và vai trò của ngành kinh tế về du lịch còn hạn chế; các ưu thế của thị trường trong phát triển du lịch chưa được phát huy đầy đủ; các thất bại của thị trường chưa được khắc phục hạn chế.

Theo ông Vương Đình Huệ, trong thời kỳ hội nhập quốc tế, phải nâng cao thức của xã hội về phát triển du lịch trong kinh tế thị trường và hội nhập sâu rộng. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan, trong đó có nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi Luật Du lịch 2005, phù hợp với tình hình khi Việt Nam là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế; nghiên cứu, rà soát và loại bỏ các quy định lỗi thời đang là rào cản của phát triển du lịch...

Ngay sau phiên khai mạc, các đại biểu đã cùng chia sẻ ý kiến về phát triển du lịch Việt Nam trong tình hình mới theo ba nội dung chủ đạo gồm nhận thức về phát triển du lịch; cơ chế, chính sách phát triển du lịch; chất lượng, tính chuyên nghiệp và sức cạnh tranh.

Trong phần nhận thức về phát triển du lịch, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đã trình bày, đưa ra ý kiến về nhiều vấn đề mời trong đời sống chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội trực tiếp và gián tiếp tác động đến hoạt động du lịch; vai trò, hiệu quả, ý nghĩa và xu hướng phát triển du lịch trong thời đại hiện nay; tính chất liên ngành, liên vùng của du lịch và điều kiện, yếu tố quyết định đến phát triển du lịch bền vững.

Về cơ chế, chính sách phát triển du lịch, các địa biểu bàn kỹ về mối quan hệ hợp tác giữa công-tư; Nhà nước-doanh nghiệp nhằm phát huy vai trò định hướng chiến lược, hỗ trợ phát triển của Nhà nước; vai trò chủ động, tích cực, năng động sáng tạo của khu vực doanh nghiệp, tư nhân. Đặc biệt là các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về biện pháp hành động sau khi có Nghị quyết về miễn thị thực đơn phương cho năm nước Tây Âu và Belarus; lộ trình sửa đổi Luật du lịch với nhiều yếu tố mới; thực hiện các biện pháp cấp bách nhằm hạn chế yếu kém, nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam...

Nội dung thứ ba được các đại biểu thảo luận tại hội thảo này là chất lượng, tính chuyên nghiệp và sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Trong phần này, các chuyên gia nghiên cứu, hiệp hội và doanh nghiệp du lịch nêu lên cách thức phát huy lợi thế về chính sách, hỗ trợ của nhà nước; tận dụng cơ hội, liên kết để nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm... Ở nội dung này, các đại biểu cũng đề cập đến năng lực ứng phó của du lịch Việt Nam trong bối cảnh thế giới có những biến động khó lường về an ninh, chính trị, kinh tế, thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng đến khách du lịch quốc tế; tính mùa vụ của du lịch nội địa.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục