Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, hay còn gọi là OPEC+ ngày 1/4 đã nhất trí tăng sản lượng dầu bắt đầu từ tháng sau, nhưng chỉ ở các mức hạn chế.
Trong thông báo sau cuộc họp, các bộ trưởng đã nhấn mạnh những cải thiện trên thị trường nhờ các chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu và các gói kích thích ở nhiều nền kinh tế chủ chốt.
Tuy nhiên, OPEC+ cũng cho biết sẽ tiếp tục lập trường thận trọng khi theo dõi những diễn biến của thị trường, với sự bất ổn nhận thấy trong vài tuần gần đây.
Trong một thông báo, Bộ Năng lượng Kazakhstan nêu rõ: "Sau cuộc họp, các nước OPEC+ đã ra quyết định tăng mức sản lượng hiện tại của nhóm thêm 350.000 thùng/ngày trong tháng Năm, 350.000 thùng/ngày trong tháng Sáu và 450.000 thùng/ngày trong tháng Bảy."
[Saudi Arabia ủng hộ OPEC+ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu mỏ]
Trước đó, thỏa thuận mới của OPEC+ bắt đầu vào tháng 5/2020 với việc giảm sản lượng dầu 9,7 triệu thùng/ngày, sau đó từ tháng 8/2020, OPEC+ đã nới lỏng mức cắt giảm sản lượng xuống 7,7 triệu thùng/ngày và vào tháng 1/2021 đã đồng ý hạ mức cắt giảm xuống 7,2 triệu thùng/ngày.
Đồng thời, OPEC+ đã đồng ý đưa ra quyết định về việc tăng sản lượng hàng tháng, tùy thuộc vào điều kiện thị trường, nhưng với mức tăng không quá 500.000 thùng/ngày.
Edward Moya, chiến lược gia thị trường của công ty Oanda, cho biết quyết định tăng dần sản lượng như trên của OPEC+ đã khiến nhiều nhà đầu tư năng lượng bất ngờ, khi nhiều dự đoán trước đó cho rằng OPEC+ sẽ không nâng sản lượng trong tháng Năm nhưng sẽ tăng sản lượng nhiều hơn trong tháng Sáu.
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman nhấn mạnh quyết định nói trên vẫn có thể được thay đổi trong các cuộc họp hàng tháng của nhóm, và cho đến khi có bằng chứng rõ ràng về sự phục hồi của nền kinh tế, thì OPEC+ vẫn sẽ duy trì lập trường thận trọng.
Trước đó trong tháng này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã đưa ra dự báo bi quan hơn về thị trường dầu, theo đó dự đoán có thể sẽ mất thêm hai năm nữa nhu cầu toàn cầu mới phục hồi về các mức như trước đại dịch COVID-19./.