Ngành dệt may của các nước khu vực gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam - còn gọi là các nước CLMV - đang đối mặt với nguy cơ ngắn hạn từ sự bùng phát của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đặc biệt là tại Campuchia.
Báo Business Times của Singapore ngày 9/9 dẫn nhận định của chuyên gia kinh tế Sian Fenner thuộc công ty tư vấn Oxford Economics cho rằng các biện pháp phong toả để kiềm chế sự lây lan của đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu tại các nước CLMV.
Ngành dệt may được coi là một lĩnh vực chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 bởi hơn 55% nguyên vật liệu để sản xuất quần áo tại Campuchia, Myanmar và Việt Nam đến từ Trung Quốc - quốc gia có các nhà máy đã bị đóng cửa trong giai đoạn đầu năm 2020 do dịch COVID-19 bùng phát.
[Đức sẽ hỗ trợ công nhân ngành dệt may của Việt Nam]
Ngoài ra, nhu cầu bên ngoài sụt giảm cũng dẫn tới nhiều đơn hàng của ngành dệt may ở các nước CLMV bị huỷ.
Campuchia là nước gánh chịu thiệt hại nặng nhất bởi 66% xuất khẩu của nước này là từ ngành công nghiệp dệt may, vốn được hưởng lợi nhiều từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Dự đoán, FDI vào Campuchia sẽ giảm mạnh trong năm 2020 sau khi đạt mức kỷ lục trong năm 2019.
Chuyên gia Sian Fenner dự báo, sự phục hồi của FDI tại Campuchia trong năm 2021 cũng sẽ không chắc chắn do nhu cầu toàn cầu đối với hàng may mặc khá yếu và việc Liên minh châu Âu (EU) rút một phần ưu đãi thuế quan theo thoả thuận “Tất cả trừ vũ khí” (EBA) với nước này.
Dù vậy, các nước CLMV có khả năng vẫn đạt mức tăng trưởng mạnh hơn các nền kinh tế ASEAN-5 gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.
Oxford Economics dự báo tăng trưởng của khối CLMV sẽ đạt bình quân 5,1% trong giai đoạn 2020-2028, trong khi mức tăng trưởng trung bình của nhóm ASEAN-5 vào khoảng 4%./.