Trả lời phỏng vấn hãng tin Itar-Tass (Nga) ngày 26/5, Bộ trưởng Tài nguyên Nước và Năng lượng Pakistan Khawaja Muhammad Asif cho biết Pakistan mong muốn tăng cường hợp tác với Nga để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước.
Bộ trưởng Asif hy vọng Nga có thể tham gia dự án năng lượng quy mô lớn CASA - 1000 nhằm chuyển tải điện từ Tajikistan và Kyrgyzstan sang Afghanistan và Pakistan.
Theo dự án trên, các bên sẽ xây dựng 3 đường dây tải điện cao thế từ Tajikistan và Kyrgyzstan sang Afghanistan và Pakistan, để xuất khẩu phần sản lượng điện dư thừa từ 2 nước thuộc Liên Xô trước đây cho Afghanistan và Pakistan.
Dự án sẽ khởi công vào tháng Bảy tới và hoàn thành vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, do hoạt động sản xuất điện của Tajikistan và Kyrgyzstan mang tính thời vụ (khi nhu cầu tiêu thụ tăng vào mùa Hè), nên việc xuất khẩu lượng điện dư thừa sang các nước khác có thể gián đoạn trong năm.
Bộ trưởng Asif nhấn mạnh sự tham gia của Nga sẽ cho phép đảm bảo dự án hoạt động liên tục quanh năm, đồng thời giúp các quốc gia Hồi giáo vượt qua được cuộc khủng hoảng năng lượng điện.
Pakistan hiện đang bị thiếu hụt đáng kệ nguồn năng lượng điện, cản trở việc mở rộng cơ sở kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), sản xuất công nghiệp cũng như xuất khẩu.
Ngoài ra, ông Khawaja Muhammad Asif cũng đề cập tới khả năng Nga cung cấp khí đốt cho Pakistan theo đường ống dẫn khí TAPI chạy qua 4 nước Turkmenistan - Afghanistan - Pakistan - Ấn Độ.
Tuy nhiên, nếu Nga không tham gia dự án TAPI, Nga, Afghanistan và Pakistan có thể xây dựng đường ống dẫn khí đốt độc lập để Nga cung cấp khi đốt cho hai nước còn lại.
Dự án TAPI ra đời năm 2005 và được Ngân hàng Phát triển châu Á (ABD) hỗ trợ tài chính. Đường ống dẫn khí TAPI có chiều dài 1735km, đạt công suất vận chuyển 33 tỷ km3 khí đốt mỗi năm. Đường ống chính kéo dài từ các giếng khí Galkinish của Turkmenistan và điểm kết thúc là thành phố Fazilka giáp biên giới Ấn Độ và Pakistan.
Dự án có vốn đầu tư hơn 7,6 tỷ USD và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2017. Tuy nhiên, cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan trong những năm qua là một trong những yếu tố chính cản trở việc khởi công xây dựng TAPI./.