Quảng Ninh, Đồng Tháp, Long An và Bình Dương lần lượt là các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế được đánh giá cao nhất trong bảng xếp hạng PCI 2020.
Đáng chú ý, với 75,09 điểm trong bảng xếp hạng, Quảng Ninh tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong năm thứ 4 liên tiếp tại PCI.
Đây là thông tin được đưa ra tại Lễ công bố tại Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức, ngày 15/4.
Quảng Ninh giữ vững ngôi vị số 1
Năm nay, Quảng Ninh lại được vinh danh quán quân PCI 2020 khi đã vượt qua chính mình và giữ vững ngôi vị đứng đầu Bảng xếp hạng PCI trong 4 năm qua. Quảng Ninh cũng là tỉnh duy nhất trong 63 tỉnh thành, thành phố vượt qua điểm mốc 75 điểm trong kết quả PCI từ năm 2010 trở lại đây.
[Quảng Ninh dẫn đầu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 4 năm liên tiếp]
Báo cáo chỉ ra cộng đồng doanh nghiệp ở Quảng Ninh đánh giá cao chính quyền địa phương trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Cụ thể, 89% doanh nghiệp đánh giá chính quyền tỉnh vận dụng pháp luật linh hoạt nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp; 97% doanh nghiệp nhận được phản hồi từ cơ quan chính quyền tỉnh sau khi phản ánh khó khăn, vướng mắc; 81% doanh nghiệp hài lòng với cách giải quyết của cơ quan chính quyền tỉnh. Bên cạnh đó, chi phí không chính thức của doanh nghiệp đã giảm bớt, khi chỉ có 3% doanh nghiệp phải chi trả trên 10% doanh thu cho khoản chi này (trong khi năm 2019 là 5%).
Trong bảng xếp hạng, ngay sau Quảng Ninh là Đồng Tháp cũng một lần nữa vượt qua kỷ lục của chính mình, khi đạt 72,81 điểm đồng thời xác lập năm thứ 13 liên tiếp nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI cả nước. Kế đến là Long An (70,37 điểm) và Bình Dương (70,16 điểm) là các vị trí thứ ba và thứ tư.
Trong danh sách top 4 PCI năm nay, Bình Dương có sự cải thiện mạnh mẽ nhất với mức tăng 2,78 điểm và 9 bậc so với kết quả năm 2019, theo những đánh giá tích cực của doanh nghiệp về gia nhập thị trường (tăng 1,22 điểm) và công tác hỗ trợ doanh nghiệp (tăng 0,91 điểm).
Các tỉnh, thành phố khác lần lượt nằm trong top 10 của báo cáo, bao gồm Đà Nẵng (70,12 điểm), Vĩnh Long (69,34 điểm), Hải Phòng (69,27 điểm), Bến Tre (69,08 điểm), Hà Nội (66,93 điểm) và Bắc Ninh (66,74 điểm).
Phát biểu tại buổi lễ, Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, “PCI là một chỉ số của hành động đồng thời thúc đẩy những hành động thực chất của chính quyền các tỉnh thành phố nhằm cải thiện chất lượng điều hành và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.”
Năm 2020 cũng là năm thứ tư liên tiếp mà điểm số của tỉnh trung vị đại diện cho bảng xếp hạng PCI đạt trên 60 điểm đồng thời ghi nhận xu hướng hội tụ mạnh mẽ hơn khi mà khoảng cách điểm số giữa tỉnh có kết quả PCI cao nhất và thấp nhất tiếp tục được thu hẹp lại. Điều này cho thấy những động lực và những thực tiễn cải cách tốt đã và đang được lan tỏa.
Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn
Theo ông Đậu Anh Tuấn Trưởng ban Pháp chế VCCI, giám đốc dự án PCI, Báo cáo PCI 2020 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.300 doanh nghiệp; trong đó có trên 10.700 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 22 địa phương tại Việt Nam.
Quyền Giám đốc USAID Việt Nam Brad Bessire bày tỏ PCI đã đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong điều hành kinh tế của các tỉnh thành.
“Kết quả điều tra doanh nghiệp FDI năm 2020 cho thấy Việt Nam tiếp tục được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn, với lợi thế là chính trị ổn định, thủ tục hành chính dần thông thoáng hơn, thanh tra, kiểm tra và chi phí không chính thức đã giảm bớt. Các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng Việt Nam tiếp tục kiểm soát tham nhũng, cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công, hoàn thiện hệ thống thủ tục, quy định và nâng cấp mạnh mẽ chất lượng cơ sở hạ tầng,” Giám đốc USAID Việt Nam chia sẻ.
Mặt khác, theo ông Tuấn, điều tra PCI 2020 cho thấy chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam có xu hướng cải thiện theo thời gian.
"Những chuyển động tích cực được ghi nhận bao gồm chi phí không chính thức tiếp tục đà giảm, an ninh trật tự được giữ vững, chính quyền cấp tỉnh năng động, tiên phong hơn, cải cách hành chính có cải thiện đáng kể và môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng,” ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng chỉ ra kết quả điều tra cho thấy chính quyền cấp tỉnh cần cải thiện mạnh mẽ hơn nữa về tính minh bạch của môi trường kinh doanh cũng như nâng cao chất lượng thực thi của hệ thống chính quyền cấp cơ sở. Cụ thể, chính quyền địa phương phải tiếp tục thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và giảm gánh nặng thanh tra, kiểm tra cho doanh nghiệp, tiếp tục nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức cho các doanh nghiệp.
Một điểm nhấn trong báo cáo có chỉ ra năm 2020 là một năm đặc biệt khó khăn với doanh nghiệp Việt Nam do tác động của dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp trên diện rộng, ở hầu khắp các ngành, trên toàn bộ các vùng của cả nước. Cụ thể, dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng trong việc làm sụt giảm doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong năm vừa qua. Các doanh nghiệp cũng đã phải cắt giảm lực lượng lao động.
“Các chính sách của Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua COVID-19 có tác động trên thực tế không đồng đều nhau, một số chính sách có hiệu ứng thực tiễn cao như giãn nộp thuế và gia hạn tiền thuê đất… Điều tra cũng cho thấy mức độ thích ứng khá cao của doanh nghiệp Việt Nam trước đại dịch,” ông Tuấn nói./.