Xúc tiến đầu tư của các doanh nghiệp Bỉ vào tỉnh Bình Dương

Tỉnh Bình Dương hiện có 5 dự án đầu tư của các doanh nghiệp Bỉ với tổng số vốn trên 39 triệu USD, đứng thứ 37 trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại tỉnh.
Xúc tiến đầu tư của các doanh nghiệp Bỉ vào tỉnh Bình Dương ảnh 1Đại diện lãnh đạo Bình Dương và các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)

Hội nghị xúc tiến đầu tư của các doanh nghiệp Bỉ vào tỉnh Bình Dương đã diễn ra bằng hình thức trực tuyến hôm 14/4. Sự kiện do Tổng Công ty Becamex IDC phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương tổ chức.

Tham dự hội thảo có ông Gricha Safarian - Lãnh sự danh dự Vương quốc Bỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc công ty Puratos Việt Nam; ông Nguyễn Thanh Trúc - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương; ông Phạm Ngọc Thuận - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC; ông Bart Verheyen - Chủ tịch Phòng Thương mại Bỉ tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Bình Dương. Tại điểm cầu Bỉ có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và Đại công quốc Luxembourg (Lúc-xăm-bua), Vũ Anh Quang, cùng đại diện các doanh nghiệp Bỉ.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết tính đến cuối tháng 3/2021, tỉnh Bình Dương đã thu hút được gần 4.000 dự án đầu tư FDI nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 37,9 tỷ USD, đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn FDI, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Tỉnh hiện có 5 dự án đầu tư của các doanh nghiệp Bỉ với tổng số vốn trên 39 triệu USD, đứng thứ 37 trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại tỉnh Bình Dương.

Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là: sản xuất dược, may mặc, sản phẩm phụ gia, hương liệu, sản xuất bia và mạch nha ủ men bia, cung cấp kho bãi và lưu trữ hàng hóa...

Về phần mình, Đại sứ Vũ Anh Quang nhấn mạnh hội thảo diễn ra trong bối cảnh thương mại-đầu tư toàn cầu đang đứng trước những bất ổn do đại dịch COVID-19 và các vấn đề mới nổi lên, từ xung đột thương mại Mỹ-Trung đến Brexit và bất ổn chính trị trên thế giới kéo dài.

[Bình Dương thu hút 400 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài trong 2 tháng]

Trước những tác động tiêu cực trên, Bỉ và Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại-đầu tư quan trọng của nhau do hai nước tương đồng về vị trí chiến lược là trung tâm thương mại khu vực và cửa ngõ vào các thị trường quan trọng là Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Doanh nghiệp hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác, kết nối sâu rộng hơn nữa trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Đối tác Chiến lược Việt-Bỉ trong lĩnh vực nông nghiệp.

Xúc tiến đầu tư của các doanh nghiệp Bỉ vào tỉnh Bình Dương ảnh 2Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Bình Dương và tại điểm cầu Bỉ, có Ông Vũ Anh Quang - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Bỉ cùng hơn 80 doanh nghiệp Bỉ. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)

Đại sứ Vũ Anh Quang cho biết để khắc phục khủng hoảng COVID-19, Chính phủ Việt Nam đã thành lập Nhóm công tác cao cấp do Bộ Ngoại giao chủ trì nhằm nghiên cứu các biện pháp tạo thuận lợi cho FDI.

Theo báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài Việt Nam, FDI vào Việt Nam tháng 3/2021 đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thành tựu này xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau, nổi bật là sự phục hồi kinh tế nhanh chóng, các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả và tiềm năng lớn của thị trường.

Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ Việt Nam đặc biệt coi trọng việc triển khai các hiệp định thương mại tự do lớn cũng như tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài.

FDI tiếp tục đóng vai trò là nguồn lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam và góp phần thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 và Tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Đại hội Đảng XIII thông qua.

Theo các đại diện của phía Bỉ, nằm ở vị trí chiến lược trong khu vực, Việt Nam là cửa ngõ quan trọng nối liền với các nước ASEAN và thế giới bằng hệ thống đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Hệ thống cảng biển nước sâu rộng khắp có thể cập cảng những tàu du lịch, tàu hàng có tải trọng lớn.

Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế, nhất là vận tải biển. Thêm vào đó, môi trường chính trị ổn định, chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ Việt Nam chính là những lợi thế thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Bỉ hiện có 78 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 1,1 tỷ USD, đứng thứ 23 trong số 131 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đầu tư của Bỉ tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực cảng biển, hạ tầng, hậu cần, bất động sản, cấp thoát nước và xử lý chất thải, chế biến và chế tạo, sản xuất và phân phối điện, nông lâm thủy sản... Đây cũng là những thế mạnh của tỉnh Bình Dương.

Về thương mại, Bỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ năm của Việt Nam trong EU, sau Đức, Hà Lan, Pháp và Italy. Việt Nam là đối tác thương mại thứ hai của Bỉ trong ASEAN. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-EU năm 2020 đạt 62,1 tỷ USD (tăng 10% so với năm trước).

Tại hội thảo, đại diện Tổng Công ty Becamex IDC đã giới thiệu về môi trường đầu tư của Bình Dương và các dự án do Becamex IDC đang phát triển để đáp ứng nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp, đặc biệt là định hướng xây dựng thành phố thông minh Bình Dương trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục