Peru triển khai giáo dục song ngữ để bảo tồn ngôn ngữ thổ dân

Kế hoạch này được các quan chức Bộ Giáo dục Peru cùng đại diện của 7 cộng đồng thổ dân lớn nhất nước này nghiên cứu trong suốt 14 tháng.
Peru triển khai giáo dục song ngữ để bảo tồn ngôn ngữ thổ dân ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: projects-abroad.org)

Trong nỗ lực bảo tồn ngôn ngữ thổ dân, Bộ Giáo dục Peru đang phối hợp cùng các cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống tại khu vực rừng rậm Amazon và dọc dãy núi Andes triển khai thực hiện Dự án quốc gia giáo dục song ngữ, theo đó cho phép các học sinh thổ dân được học chính thức bằng tiếng mẹ đẻ song song với học tiếng Tây Ban Nha.

Theo kế hoạch, 90% học sinh tiểu học và 50% học sinh trung học phổ thông sẽ được học chương trình song ngữ với chất lượng cao và phấn đấu 67% học sinh hoàn thành chương trình. Hiện đã có giáo án cho 18 ngôn ngữ bản địa.

Kế hoạch này được các quan chức Bộ Giáo dục Peru cùng đại diện của 7 cộng đồng thổ dân lớn nhất nước này nghiên cứu trong suốt 14 tháng và hiện đã được trao cho người đứng đầu các bộ tộc để trưng cầu ý kiến từ nay đến hết tháng 1/2016.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục Flavio Figallo cho biết đây là lần đầu tiên cơ quan này xây dựng một kế hoạch tổng thể hướng tới giảng dạy song song bằng ngôn ngữ thổ dân và tiếng Tây Ban Nha, bên cạnh việc đào tạo đội ngũ 10.000 giáo viên có thể đảm nhiệm công việc này.

Mục đích của chương trình là nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở cộng đồng thổ dân tới năm 2021.

Với khoảng 31 triệu dân, Peru là một quốc gia gồm nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số cùng sinh sống với ngôn ngữ rất đa dạng, do đó việc bảo tồn ngôn ngữ luôn được coi trọng.

Chính phủ Peru đã đầu tư cho công tác đào tạo phiên dịch, khuyến khích các bệnh viện, đơn vị cảnh sát và tòa án sử dụng ngôn ngữ bản địa.

Tuy nhiên, việc làm này không đơn giản vì tiếng Tây Ban Nha, ngôn ngữ phổ thông ở Nam Mỹ, luôn có xu hướng áp đảo trong giao tiếp so với các thổ ngữ.

Việc áp đặt và coi thường văn hóa bản địa là di sản tiêu cực của chế độ thực dân Tây Ban Nha và đây là lý do chính khiến ngày càng ít người Peru giao tiếp bằng thổ ngữ và nhiều ngôn ngữ đã bị mai một.

Theo số liệu thống kê mới nhất, hiện tại Peru vẫn còn 67 thổ ngữ được sử dụng, chủ yếu là các ngôn ngữ của vùng Amazon, trong khi có 37 thổ ngữ đã bị mai một./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục