Phải làm gì với nhức nhối "thảm họa nghệ thuật"?

Từng làm quản lý văn hóa, nhà viết kịch Chu Thơm đã ăm ắp trăn trở về những bóng đen tràn lên sân khấu. Đó cũng là nhức nhối chung...
Nhà viết kịch Chu Thơm, nguyên phó trưởng phòng Nghệ thuật Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là một người có nhiệt huyết và nhiều trăn trở về sân khấu nghệ thuật biểu diễn hiện nay. Theo ông Thơm, đã và đang có “những kẻ làm ô uế thánh đường sân khấu,” phóng viên Vietnam+ đã có một cuộc trao đổi với tác giả kịch bản “Mỹ nhân và anh hùng” này xung quanh vấn đề cần nâng cao thẩm mỹ trong nghệ thuật biểu diễn.    

- Trong khi nhiều người cho sân khấu là cuộc đời thì tại sao anh lại nghĩ sân khấu là thánh đường. Phải chăng nói thế để nhấn mạnh việc cần thanh lọc, giữ gìn?


Những "thảm họa nghệ thuật”

Ông Chu Thơm: Đúng vậy! Có câu nói: “Sân khấu là thánh đường, người đến đó thì phải bỏ những đôi giày bẩn của mình ngoài cổng". Chính vì vậy, những nghệ sỹ chân chính mà bây giờ người ta gọi là người tử tế luôn tôn trọng nghề của mình, tôn trọng khán giả không bao giờ dám mang những lệch lạc trong suy nghĩ và hành xử vào chốn thâm nghiêm ấy.

Nhưng buồn thay, giờ đây cái thánh đường ấy đang bị các cơn lũ “thảm họa nghệ thuật” làm ô uế và những kẻ làm ô uế không ai khác chính là những con dân đang mưu sinh và không ít người đã được tôn vinh ở đó.

- Xin chia sẻ cùng ông, phóng viên có thể thấy ông đang bức xúc quá từ hiện trạng văn hóa và nghệ thuật biểu diễn hôm nay?

Ông Chu Thơm: Những năm gần đây dư luận xã hội dồn dập gióng những hồi chuông báo động về một loạt thảm họa của nghệ thuật biểu diễn, đó là "thảm họa" nhạc Việt, "thảm họa" phim Việt, "thảm họa thời trang Việt,” thậm chí có người còn nói rằng đây là “thời vực sâu nhất của thảm họa” khi dẫn ra việc những sản phẩm văn học, nghệ thuật kém chất lượng đến mức phản văn hóa, phản cảm nhơn nhơn nghễu nghện xuất hiện trên thánh đường, hành hạ khán giả và gây tác hại lớn đối với đời sống xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Càng lo ngại hơn khi đây lại đang là xu hướng phản cảm nhằm đánh bóng tên tuổi của mình của một số người thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Tình trạng này không chỉ cho thấy sự xuống cấp trong tư duy, đạo đức làm nghề của một số diễn viên, ca sĩ, người mẫu tự phong cho mình là “nghệ sĩ có tính cách và phá cách” mà còn cho thấy sự dễ dãi của truyền thông cũng như sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của các đơn vị chức năng .

- Vậy thì chúng ta hãy cùng tìm ra tác nhân và nguyên nhân dẫn đến các loại thảm họa ấy là ai, là gì thưa ông?


Ông Chu Thơm: Tác nhân từ nghệ sĩ biểu diễn, ca sĩ, người mẫu thời trang thuộc thế hệ 8X và 9X - thế hệ mà thuật ngữ mới gọi là “thế hệ@,” “thế hệ gối ôm,” ‘thế hệ gấu bông” không trải qua những năm tháng chiến tranh hay khó khăn thời bao cấp, rành vi tính hơn thuộc lịch sử, thích lướt nét hơn đọc sách, được gia đình hậu thuẫn về kinh tế nhưng lại hồ hởi với cái mới mà xa giá trị gia đình, sống theo trào lưu và dễ bị tác động, đòi hỏi nhu cầu sống cao và ích kỷ, thích khẳng định cái tôi, quyết đoán, liều lĩnh và nhiều khi tự tin quá nên mắc bệnh cuồng phô trương, bệnh cuồng sex.

Chính vì vậy khi có “vòng một khủng bất thường” liền dương dương tự đắc và dùng ngay nó để tạo cho mình hình ảnh “sex từng centimet," biến nó thành “vũ khí hủy diệt” các đối thủ khác.  

Chạy theo tiêu chí "Không "thảm họa" bất thành nổi tiếng", một số ca sỹ và người mẫu thời trang bất tài đã cố tình tung ra "thảm họa" để mưu cầu sự nổi tiếng  cho mình. Thậm chí khi bị công chúng coi các tác phẩm ấy là "rác rưởi", tẩy chay họ còn tự hào một cách vô liêm sỉ khi thấy "thảm họa" của mình bị nhiều người lên án đồng nghĩa với việc cáo cho họ, khiến cát xê của họ bỗng vụt tăng cao.

Trách nhiệm ở các cấp quản lý văn hóa


- Trăn trở và nhiệt huyết như vậy, ông có thể chỉ ra đâu là nguyên nhân của các "thảm họa?"

Ông Chu Thơm: Thứ nhất, phải quy trách nhiệm chính cho các cấp quản lý văn hóa ở trung ương và địa phương. Những người gác cửa Thiên đàng phải chăng không đủ tầm và tâm nên đã để lọt lưới những chương trình biểu diễn nghệ thuật phản cảm.

Thứ hai, là các phương tiện truyền thông: Báo mạng, báo giấy, đài phát thanh, đài truyền hình. Để khỏa lấp nghiệp vụ non yếu của mình, không ít phóng viên đã khai thác chuyện đời, chuyện tình nhăng nhít, chuyện bê bối của nghệ sĩ rồi tôn vinh họ là: Danh hài, Diva, Nữ hoàng đồ lót, Nữ hoàng dancesport, siêu mẫu, ngôi sao điện ảnh, truyền hình, “cặp kim đồng, ngọc nữ.”

Và họ còn xưng tụng những nam nữ có dấu ấn một thời của những vụ scandal đáng xấu hổ là "hot girl", "hot boy", “top” nọ “top” kia. Chính sự nuông chiều và tôn vinh một cách thái quá của các phương tiện truyền thông đã làm các con bệnh  “thảm họa nghệ thuật” bị nhờn thuốc trước dư luận xã hội.

Nguyên nhân thứ ba, khán giả những người thưởng thức và bỏ tiền mua vé tới xem những chương trình phản cảm đó. Phần lớn họ thuộc thế hệ @  không có chính kiến, mắc bệnh a dua, đặc biệt một bộ phận mắc chứng tôn thờ thần tượng một cách vô lối và quan niệm một cách cực đoan rằng, đã là thần tượng thì cái gì cũng đúng, vì vậy đã cổ súy cho các hành vi phản cảm, phản văn hóa của thần tượng cũng như các ca khúc não tình, các bài hát chế với ca từ nhảm nhí được thần tượng thể hiện.

Và nguyên nhân cuối cùng và quan trọng nhất, theo tôi đó là: Chế tài xử phạt chưa nghiêm. Không ít cán bộ làm công tác quản lý văn hóa không đủ tầm và tâm thì yếu nên dễ bị mối lợi vật chất làm sao nhãng nhiệm vụ của mình nên đã “buông súng”, nhắm mắt làm ngơ cho phép những “thảm họa” đó được nghễu nghện trên sân khấu và màn ảnh.

- Vậy ông có đề xuất gì về việc quản lý?

Ông Chu Thơm: Tôi sẽ trả lời bằng một vài câu hỏi để ngụ ý về giải pháp:

Tại sao chúng ta không làm theo bóng đá: cầu thủ dù nổi tiếng đến mấy đã ra sân cũng phải bị xử lý như cầu thủ bình thường, nghĩa là nếu phạm luật cũng bị phạt thẻ  vàng, thẻ đỏ và cấm thi đấu một vài trận?

Tại sao chúng ta không làm theo Bộ Y tế: Thực phẩm không sạch phải bị tiêu hủy và thu hồi giấy phép của nhà sản xuất?

Tại sao chúng ta không làm theo giao thông ở một số nước tiên tiến: Xe bẩn không cho vào thành phố? Nổi tiếng đến mấy mà lái xe phạm luật cũng bị xử theo pháp luật? Và luật của một số nước Châu Âu: Không cho du khách mặc quần soóc, áo ba lỗ, áo trễ cổ, váy ngắn cũn cỡn, quần trễ cạp vào thăm quan đền chùa?!

Thế thì tại sao chúng ta không cấm có thời gian hoặc vĩnh viễn những nghệ sĩ thường xuyên biểu diễn phản cảm, phản văn hóa cũng như không cấp phép phát hành những “thảm họa nghệ thuật” của họ.

Như vậy, nếu không có chế tài xử phạt nghiêm thì không bao giờ ngăn được những “thảm họa” đó, và  khán giả vẫn sẽ còn bị tra tấn khi thưởng thức văn hóa trên truyền hình, trên sân khấu.

Nhưng có điều trớ trêu là, đôi khi Luật chỉ có tác dụng với người ngay. Vì vậy, cách duy nhất là kêu gọi cái tâm của mỗi người đối với công việc, nghề nghiệp mà họ theo đuổi.

 - Trân trọng cảm ơn ông!


Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục