Phân cấp, phân quyền quản lý bảo trì đường bộ được thực hiện ra sao?

Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện phân cấp, phân quyền trong đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác và bảo trì đường bộ nhằm hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

Nhà thầu thực hiện bảo trì một tuyến đường bộ. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)
Nhà thầu thực hiện bảo trì một tuyến đường bộ. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Với hệ thống đường bộ tại Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ toàn bộ việc đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác các loại đường đô thị, đường xã đến tỉnh, đường giao thông nông thôn cho Ủy ban Nhân dân và chính quyền địa phương các cấp đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, quản lý, khai thác vận tải và bảo trì.

Phân vai cụ thể để quản lý, bảo trì đường bộ

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008 đang có hiệu lực thi hành, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quản lý, bảo trì đường tỉnh, đường đô thị tại các thành phố trực thuộc Trung ương, quy định về quản lý bảo trì đường huyện, đường xã và đường khác thuộc phạm vi quản lý; Bộ Giao thông Vận tải quản lý, bảo trì hệ thống Quốc lộ sử dụng ngân sách Trung ương.

Chiểu theo quy định này, toàn bộ 610.000km đường bộ nước ta, Bộ Giao thông Vận tải chỉ quản lý, bảo trì 25.100km Quốc lộ và trên 1.600km đường cao tốc do bộ đầu tư hoặc ký kết đang thực hiện hợp đồng BOT, chiếm 4,4% chiều dài đường bộ cả nước.

Trong số này, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam uỷ quyền cho các Sở Giao thông Vận tải quản lý 13.120km Quốc lộ, chiếm 52,3% chiều dài các Quốc lộ, đây là các tuyến Quốc lộ thứ yếu, Quốc lộ lưu lượng vận tải ít, yêu cầu kết nối không cao như các Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh và các Quốc lộ chính yếu trong quy hoạch.

Mặt khác, các tỉnh, thành phố quản lý 583.400 km các loại đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã và đường khác trên địa bàn, chiếm 95,6% chiều dài toàn bộ các đường bộ của Việt Nam.

Khi được uỷ quyền, các Sở Giao thông Vận tải được quyền quản lý, bảo trì Quốc lộ; làm chủ đầu tư phê duyệt thiết kế, dự toán, lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng, nghiệm thu, thanh toán… đồng thời được chấp thuận, cấp giấy phép thi công, giám sát, kiểm tra việc xây dựng công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu khác (điện, cấp, thoát nước, viễn thông, băng tải chuyển hàng…) vào phạm vi Quốc lộ và hàng lang an toàn Quốc lộ.

Như vậy, thực chất hiện nay, chính quyền các địa phương và các Sở Giao thông Vận tải quản lý, bảo trì và tổ chức khai thác tổng cộng là 596.520km đường bộ các loại cả của địa phương và Quốc lộ của Trung ương trên tổng số 610.000km đường bộ cả nước, chiếm 97,8% toàn bộ các hệ thống đường bộ.

Hiện, Bộ Giao thông Vận tải chỉ giao Cục Đường bộ Việt Nam trực tiếp quản lý 2,2% chiều dài đường bộ cả nước, tương đương với 13.480km đường bộ, trong đó đối với 2.000km Quốc lộ đầu tư theo hình thức BOT thì Cục Đường bộ chỉ giám sát, kiểm tra các nhà đầu tư BOT thực hiện theo hợp đồng và theo quy định của pháp luật; hướng dẫn, giám sát kiểm tra VEC quản lý, khai thác bảo trì 500km đường cao tốc VEC đầu tư và khai thác.

Nếu trừ đi số km của VEC quản lý và khai thác bảo trì, Cục Đường bộ và 4 Khu Quản lý đường bộ chỉ quản lý, bảo trì 10.980km Quốc lộ và cao tốc, bằng 1,8% so với tổng chiều dài các loại đường bộ của cả nước (610.000km).

Địa phương được quyết định điểm đấu nối đường tỉnh vào Quốc lộ

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã chủ trì xây dựng dự thảo Luật Đường bộ, Bộ Công an chủ trì xây dựng Luật Trật tự An toàn giaothoong trình Chính phủ xem xét, lấy ý kiến nhân dân và các thành viên Chính phủ sau đó trình Quốc hội, trong đó thể hiện rõ các nội dung phân cấp, phân quyền trong đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác và bảo trì đường bộ.

Cụ thể, đối với hệ thống đường địa phương, Dự thảo Luật Đường bộ tiếp tục phân quyền toàn bộ các địa phương sẽ tiếp tục quản lý, bảo trì, khai thác trên 95,6% so với tổng chiều dài đường bộ cả nước. Tỷ lệ này sẽ còn tăng lên trong quá trình xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng nông thôn mới của các địa phương.

vnp-nut-giao-2-3402.jpg
Bộ Giao thông Vận tải tổ chức quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng và bảo trì đối với Quốc lộ, cao tốc. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Với Quốc lộ và cao tốc sử dụng vốn của Trung ương, Dự thảo Luật Đường bộ đã được chấp thuận theo hướng giao Bộ Giao thông Vận tải tổ chức quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng và bảo trì đối với Quốc lộ. Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức quản lý, vận hành khai thác, sử dụng và bảo trì hệ thống đường địa phương; Quốc lộ được phân cấp trong trường hợp bảo đảm được nguồn lực thực hiện.

Liên quan đến việc đấu nối đường địa phương vào Quốc lộ, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2021/NĐ-CP. Theo đó, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh toàn quyền quyết định danh mục điểm đấu nối đường của tỉnh vào Quốc lộ. Bộ Giao thông Vận tải chỉ quy định các yếu tố kỹ thuật như khoảng cách điểm đấu nối, yêu cầu làn tách, nhập, tăng, giảm tốc chuyển tiếp đường đấu nối của địa phương vào Quốc lộ nhằm bảo đảm an toàn giao thông, tránh tai nạn và ùn tắc giao thông.

Hiện nay các điểm đấu nối làm đúng quy định này thì cấp tỉnh tự quyết định, tuy nhiên, do địa phương có nhu cầu bổ sung các điểm đấu nối ngoài danh mục mà tỉnh đã duyệt, nhưng lại không đáp ứng các yếu tố kỹ thuật nên mới cần trao đổi, xin ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải mà chủ yếu về chuyên môn kỹ thuật để sao cho đấu nối đường của địa phương mình vào Quốc lộ được an toàn và bảo đảm trật tự an toàn giao thông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục