Phân tích việc Trung Quốc đình chỉ đàm phán thương mại với Australia

Theo các chuyên gia, với những gì chúng ta đang thấy ở Canberra và Bắc Kinh là cả hai bên đều cương quyết và cứng rắn hơn. Hai bên sẵn sàng sử dụng mọi công cụ cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình.
Phân tích việc Trung Quốc đình chỉ đàm phán thương mại với Australia ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: theguardian.com)

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) ngày 6/5 bất ngờ phát đi thông báo sẽ "đình chỉ vô thời hạn" tất cả các hoạt động trong khuôn khổ Đối thoại Kinh tế Chiến lược Trung Quốc-Australia (SED) với lý do Australia "phân biệt đối xử về ý thức hệ" đối với quốc gia châu Á này.

Theo trang tin news.com.au của Australia, trong cuộc họp báo cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố “phía Australia phải chịu mọi trách nhiệm” về việc các cuộc đàm phán bị hủy bỏ.

Ông Uông Văn Bân cáo buộc: “Trong thời gian qua, phía Australia, bất chấp lập trường và các tuyên bố chính thức của Trung Quốc, đã gia tăng việc hạn chế và ngăn chặn các dự án hợp tác giữa Trung Quốc-Australia về thương mại, văn hóa và giao lưu nhân dân dựa trên các lý do 'an ninh quốc gia’ giả tạo."

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng điều này đã "làm tổn hại nghiêm trọng lòng tin lẫn nhau và phá hoại nền tảng cho sự trao đổi và hợp tác bình thường" và Trung Quốc "không có lựa chọn nào khác ngoài việc đưa ra các phản ứng cần thiết và hợp pháp."

Ông Uông Văn Bân kêu gọi Australia “gạt sang một bên tâm lý Chiến tranh Lạnh và thành kiến về ý thức hệ, nhìn nhận sự phát triển của Trung Quốc và sự hợp tác giữa Trung Quốc-Australia một cách thực sự khách quan… và sửa chữa những sai lầm của mình.”

[Dư luận xung quanh việc Australia hủy thỏa thuận Vành đai và Con đường]

Phản ứng trước quyết định trên của Trung Quốc, các bộ trưởng cấp cao trong chính quyền Thủ tướng Scott Morrion, trong đó có Bộ trưởng Thương mại Dan Tehan và Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne, đều bảy tỏ sự “thất vọng” trong khi mô tả SED là “một diễn đàn quan trọng để Australia và Trung Quốc giải quyết các vấn đề liên quan đến quan hệ đối tác kinh tế” giữa hai nước.

Trả lời truyền thông trong nước, ông Tehan khẳng định: “Chúng tôi vẫn sẵn sàng tổ chức đối thoại và tham vấn ở cấp bộ trưởng.”

Mối quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh đã suy giảm mạnh kể từ năm 2018 khi Australia trở thành quốc gia đầu tiên cấm công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc tham gia phát triển mạng viễn thông 5G của nước này.

Mối quan hệ song phương tiếp tục xấu đi vào năm ngoái sau khi Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19). Kể từ đó, Trung Quốc đã áp đặt thuế quan hoặc gây khó khăn cho việc xuất khẩu hơn một chục mặt hàng chủ chốt của Australia, bao gồm rượu vang, tôm hùm, lúa mạch, gỗ và than đá.

Trong hơn một năm, các bộ trưởng Australia đã nhiều lần kêu gọi đối thoại với những người đồng cấp Trung Quốc để giải quyết các bất đồng nhưng không nhận được bất kỳ hồi âm nào.

Theo giới phân tích, thông báo của NDRC được cho là nhằm đáp lại quyết định của chính phủ liên bang Australia vào tháng trước về việc hủy bỏ thỏa thuận hợp tác Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của chính quyền bang Victoria với Trung Quốc vì lý do không phù hợp với lợi ích quốc gia theo đạo luật quan hệ đối ngoại được ban hành vào cuối năm 2020.

Theo Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc, các cuộc thảo luận gần đây nhất trong khuôn khổ SED, diễn đàn kinh tế song phương chính giữa hai nước, được tổ chức vào năm 2017, đã gián tiếp dẫn đến việc chính quyền bang Victoria đăng ký tham gia BRI. Sau đó, hai bên đã không có các cuộc họp nào trong khuôn khổ đối thoại này.

Tờ báo này còn lưu ý rằng hiện có nhiều nghi ngờ về khả năng có thể tổ chức cuộc gặp thường niên giữa thủ tướng hai nước. Cuộc gặp thường niên lần thứ 7 được tổ chức tại Bangkok vào năm 2019 giữa Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Australia Scott Morrison. Cuộc gặp năm 2020 đã bị hủy bỏ do sự bùng phát của đại dịch COVID-19.

Trang news.com.au trích lời của Chen Hong, Giáo sư tại Đại học Sư phạm Hoa Đông, nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng động thái hủy các cuộc đàm phán SED có ý nghĩa sâu sắc, là thông báo quan trọng đầu tiên được Bắc Kinh đưa ra vào ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động kéo dài 5 ngày.

Học giả Zhou Fangyin từ Đại học Ngoại ngữ Quảng Đông cũng nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng việc đình chỉ đối thoại “rất hiếm khi xảy ra trong tiến trình ngoại giao của Trung Quốc với các nước lớn, điều này cho thấy phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc và gửi một cảnh báo rõ ràng tới Australia rằng Trung Quốc đã quyết tâm và sẵn sàng sử dụng mọi công cụ cần thiết để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.”

Học giả này nói: “Thủ tướng Australia Scott Morrison nên hiểu điểm tới hạn của Trung Quốc và từ bỏ ảo tưởng rằng Trung Quốc có thể rút lui trước những hành động khiêu khích phi lý của Australia.”

Trong khi đó, một số chuyên gia Australia cho rằng quyết định của Trung Quốc chủ yếu mang tính biểu tượng, là một kiểu phản ứng “ăn miếng trả miếng,” nhưng hầu như không gây ra ảnh hưởng nào đáng kể. Phát biểu với Đài ABC, Giáo sư kinh tế Heling Shi của Đại học Monash (Australia) cho rằng SED được thiết kế để thảo luận về các chính sách và chiến lược hợp tác kinh tế vĩ mô giữa Trung Quốc và Australia, nhưng không bao gồm tất cả các sự kiện kinh tế và thương mại do cả hai nước tổ chức.

Đồng tình với ý kiến trên, ông James Laurenceson, Giám đốc Viện Quan hệ Australia-Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney, nói với hãng tin AFP rằng quyết định của NDRC “chủ yếu là một động thái mang tính biểu tượng.”

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Xu hướng các cuộc thảo luận và đối thoại bị đình chỉ ở các cấp thấp hơn mới là một mối quan tâm thực sự.”

Ông Laurenceson nhận xét: “Nhìn chung, những gì chúng ta đang thấy ở Canberra và Bắc Kinh là cả hai bên đều cương quyết và cứng rắn hơn.”

Greg Sheridan- cây bút chuyên bình luận về các vấn đề đối ngoại của tờ The Australian- ngày 7/5 cũng nhận xét rằng quyết định này rất đáng chú ý "vì có lý do chính trị rõ ràng."

Trước đó, Trung Quốc đã ban hành các lệnh cấm đối với các mặt hàng xuất khẩu của Australia như thịt bò và rượu với lý do liên quan đến nhãn mác và sức khỏe. Không những thế, các chuyên gia cũng cảnh báo về “sự trả đũa” tiếp theo của Trung Quốc trước thông tin về việc Bộ Quốc phòng Australia đang xem xét lại hợp đồng cho công ty Landbridge thuộc sở hữu của Trung Quốc thuê cảng Darwin ở Bắc Australia trong 99 năm.

Theo các chuyên gia, quyết định của Canberra hủy bỏ hợp đồng thuê cảng Darwin, ngay cả khi đi kèm với các khoản bồi thường đầy đủ và công bằng cho Landbridge, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng của Bắc Kinh trong việc đạt được các thỏa thuận tương tự với các quốc gia khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục