Pháp, Ấn Độ cam kết phối hợp tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Văn phòng Tổng thống Macron cho biết cách tiếp cận chung của Pháp và Ấn Độ nhằm thúc đẩy “sự ổn định khu vực và thực thi luật pháp, và loại bỏ mọi hình thức bá quyền.
Pháp, Ấn Độ cam kết phối hợp tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ảnh 1Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn: AP)

Ngày 21/9, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cam kết “phối hợp hành động” tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong cuộc điện đàm, lãnh đạo hai nước cho biết sẽ “phối hợp hành động trong một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở và bao trùm."

Ông Macron đảm bảo với ông Modi về “cam kết liên tục của Pháp nhằm củng cố quyền tự chủ chiến lược của Ấn Độ, bao gồm nền tảng công nghiệp và công nghệ, một phần trong quan hệ mật thiết dựa trên sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau."

Văn phòng Tổng thống Macron cho biết cách tiếp cận chung của Pháp và Ấn Độ là nhằm thúc đẩy “sự ổn định khu vực và thực thi luật pháp, đồng thời loại bỏ mọi hình thức bá quyền."

Cuộc điện đàm diễn ra sau khi Pháp vừa mất hợp đồng chế tạo tàu ngầm hạt nhân với Australia vào tay Mỹ và Anh. Paris rất bất bình và cho đây là “sự phản bội." Dự kiến, ông Macron cũng sẽ điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden theo đề nghị của ông này, song hiện chưa có kế hoạch cụ thể.

[Ấn Độ, Pháp thúc đẩy tự do hàng hải ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]

Cũng liên quan đến vụ tranh cãi tàu ngầm nói trên, nhiều nước châu Âu đứng về phía Pháp. Bộ trưởng châu Âu của Đức, Michael Roth, cho biết khủng hoảng ngoại giao của Pháp với Mỹ là “lời cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta” về tầm quan trọng của việc thống nhất một chính sách an ninh và đối ngoại cho Liên minh châu Âu (EU).

Trước thềm hội nghị bộ trưởng ở Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune nhấn mạnh tranh cãi này là “một vấn đề của châu Âu," không phải của riêng nước Pháp.

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết đang tính đến khả năng trì hoãn các cuộc đàm phán với Australia về một thỏa thuận thương mại với EU.

Bên cạnh đó, EC cũng đang cân nhắc liệu khủng hoảng ngoại giao trên có ảnh hưởng đến việc tổ chức cuộc gặp của một Hội đồng Thương mại và Công nghệ EU-Mỹ tại Pittsburgh (Pennsylvania, Mỹ) ngày 29/9 tới hay không.

Hội đồng trên vừa được thành lập tại một hội nghị hồi tháng Sáu và cuộc gặp tới nhằm thảo luận cách hợp tác giữa hai bên về thương mại và quản lý các công ty công nghệ lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục