Pháp bác bỏ khả năng không kích miền Bắc Mali

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp tuyên bố cả Pháp lẫn châu Âu đều sẽ không can thiệp quân sự nhằm tiễu trừ Hồi giáo cực đoan khỏi Mali.
Ngày 13/11, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố cả Pháp lẫn châu Âu đều sẽ không can thiệp quân sự nhằm tiễu trừ các lực lượng Hồi giáo cực đoan khỏi miền Bắc Mali, kể cả bằng không lực.

Phát biểu tại Câu lạc bộ báo chí Mỹ ở châu Âu có trụ sở tại thủ đô Paris của Pháp, Bộ trưởng Le Drian tái khẳng định cam kết lâu nay của Pháp, theo đó không triển khai các lực lượng bộ binh trong một nỗ lực quốc tế đã được lên kế hoạch do các lực lượng phối hợp châu Phi đứng đầu nhằm giúp Chính phủ Mali giành lại quyền kiểm soát khu vực miền Bắc từ tay các lực lượng Hồi giáo cực đoan.

Ông Le Drian đồng thời khẳng định sẽ không có cuộc tấn công nào từ trên không. Tuy nhiên, ông cho hay Pháp có thể giúp các lực lượng châu Phi thu thập thông tin tình báo hoặc giúp huấn luyện các binh sĩ.

Trước đó hai ngày, người đứng đầu ngành quốc phòng Pháp tuyên bố việc các phần tử Hồi giáo cực đoan chiếm đóng khu vực miền Bắc Mali không chỉ đe dọa an ninh vùng này mà còn đe dọa cả an ninh của châu Âu, trong đó có Pháp.

Ông Drian cũng bày tỏ lo ngại cho các con tin người Pháp đang bị các nhóm Hồi giáo cực đoan giam giữ và cho rằng can thiệp quân sự có thể là cách tốt nhất giúp chấm dứt nạn bắt cóc con tin. Trong khi đó, Tổng thống Pháp François Hollande khẳng định nước ông có "nghĩa vụ" phải hỗ trợ các nước châu Phi nếu các nước này quyết định can thiệp quân sự vào miền Bắc Mali.

[Kêu gọi tìm giải pháp chính trị cho khủng hoảng Mali]

Lâu nay, Pháp vẫn lo ngại khu vực sa mạc rộng lớn hiện do nhánh Al-Qaeda ở Bắc Phi kiểm soát có thể trở thành nơi ẩn náu của những phần tử khủng bố âm mưu tấn công châu Âu và bắt giữ các con tin người phương Tây.

Theo kế hoạch can thiệp quân sự được thông qua tại cuộc họp khẩn cấp của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) hôm 11/11 vừa qua tại thủ đô Abuja của Nigiêria, một lực lượng 3.300 quân sẽ được triển khai tại Bắc Mali trong thời hạn một năm, nhằm giành lại vùng lãnh thổ bị các nhóm vũ trang chiếm đóng. Số quân tham gia chiến dịch chủ yếu từ các nước thành viên tổ chức này gồm Nigeria, Senegal, Niger, Burkina Faso, Togor và Ghana.

Mali rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng từ tháng Ba vừa qua, khi các binh sĩ nổi loạn lật đổ Tổng thống được bầu Amadou Toumani Toure. Tình trạng rối ren đã tạo cơ hội cho lực lượng phiến quân người Tuareg mở rộng kiểm soát ở miền Bắc và tuyên bố ly khai, lập ra "Nhà nước Azawad" và áp đặt luật Hồi giáo Sharia.

Tuy nhiên, lực lượng Tuareg sau đó đã bị các nhóm vũ trang Hồi giáo lật đổ. Hiện khu vực miền Bắc Mali đang dưới sự kiểm soát của các nhóm Ansar Dine và Phong trào vì thống nhất và Jihad ở Tây Phi (MUJAO), được sự hậu thuẫn của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda tại khu vực Bắc Phi Hồi giáo (AQIM).

Theo thống kê của Cao ủy Liên hợp quốc về người tỵ nạn (UNHCR), khoảng hơn 200.000 người dân Mali đã phải rời bỏ nhà cửa do cuộc khủng hoảng tại miền Bắc nước này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục