Pháp cảnh báo Eurozone có thể bất ổn nếu Italy phá vỡ các cam kết

Bộ trưởng Kinh tế Pháp cho rằng nếu chính phủ mới tại Italy phá vỡ những cam kết về nợ công, thâm hụt ngân sách và thanh lọc hệ thống ngân hàng thì sự ổn định của nền tài chính Eurozone sẽ bị đe dọa.
Pháp cảnh báo Eurozone có thể bất ổn nếu Italy phá vỡ các cam kết ảnh 1Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 20/5, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cảnh báo sự ổn định của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ bị đe dọa nếu chính phủ mới tại Italy không tuân thủ các cam kết tài chính.

Phát biểu trên kênh truyền hình CNEWS, ông Le Maire cho rằng nếu chính phủ mới tại Italy mạo hiểm phá vỡ những cam kết về nợ công và thâm hụt ngân sách cũng như các cam kết thanh lọc hệ thống ngân hàng thì sự ổn định của nền tài chính Eurozone sẽ bị đe dọa.

Ông nhấn mạnh tương lai của Italy là ở trong châu Âu và vì thế Italy phải tuân thủ mọi quy định chung của khu vực. Bộ trưởng Kinh tế Pháp cũng khẳng định dù Italy nằm dưới sự điều hành của chính phủ nào thì mọi cam kết mà quốc gia này đã đưa đều phải được tuân thủ. 

[Châu Âu triệt phá đường dây gian lận thuế VAT xuyên quốc gia]

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Brussels lo ngại chính phủ mới ở Italy sẽ tìm cách tăng chi tiêu công, trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) dự báo nợ công của Italy trong năm nay sẽ tiếp tục duy trì ở mức 130% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), hơn gấp đôi so với mức trần 60% mà EU quy định.

Ngày 18/5 vừa qua, đảng cực hữu Liên đoàn và đảng Phong trào 5 Sao (M5S) của Italy đã ký một thỏa thuận để thành lập một liên minh cầm quyền, mở đường tháo gỡ thế bế tắc chính trị kéo dài hơn hai tháng qua tại quốc gia này, sau khi kết quả cuộc bầu cử hồi tháng Ba cho thấy không có đảng nào hội đủ đa số ghế quá bán để tự thành lập chính phủ.

Tuy nhiên, nội dung thỏa thuận mới bao gồm các cam kết tăng chi tiêu ngân sách và phản đối các hạn chế về ngân sách của EU.

Theo các nhà phân tích, thỏa thuận cuối cùng này có thể tạo ra những thách thức trực tiếp nhất đối với các quy định tài chính của EU. Đây được xem là thách thức chính trị lớn nhất sau việc Anh bỏ phiếu rời khỏi EU 2 năm trước đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục