Pháp: Đàm phán Anh-EU về quan hệ hậu Brexit còn nhiều bế tắc

Bộ trưởng Montchalin cảnh báo các bên phải lập tức chuẩn bị cho tất cả các tình huống, đặc biệt là kịch bản không có một thỏa thuận thương mại.
Pháp: Đàm phán Anh-EU về quan hệ hậu Brexit còn nhiều bế tắc ảnh 1Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Amelie de Montchalin. (Ảnh: Wikimedia)

Ngày 11/6, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp, bà Amelie de Montchalin nhận định Liên minh châu Âu (EU) và Anh sẽ khó hoàn tất cuộc đàm phán về quan hệ thương mại giai đoạn hậu Brexit trong vòng 4 tháng tới.

Phát biểu trước các thành viên Ủy ban Các vấn đề châu Âu của Thượng viện Pháp, Bộ trưởng Montchalin cảnh báo Anh và EU phải lập tức chuẩn bị cho tất cả cáctình huống, đặc biệt là kịch bản không có một thỏa thuận thương mại giữa hai bên.

Bà Montchalin cho rằng dường như Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ không muốn kéo dài thời hạn chót đàm phán đến ngày 31/12. Theo kế hoạch, các cuộc đàm phán giữa EU và Anh về mối quan hệ thương mại hậu Brexit sẽ phải kết thúc vào tháng 10/2020.

Tuy nhiên, hai bên đã kết thúc vòng đàm phán thứ tư vào ngày 5/6 vừa qua mà không đạt được sự đột phá đáng kể, do vẫn tồn tại những bất đồng lớn trong 4 vấn đề chính là ngư nghiệp, tạo sân chơi bình đẳng cho các doành nghiệp, quyền cơ bản trong tư pháp hình sự và quản trị mối quan hệ đối tác trong tương lai.

Nhà đàm phán của EU Michel Barnier cáo buộc phía Anh không tôn trọng các điều khoản trong thỏa thuận "ly hôn."

Ông Barnier nhấn mạnh hai bên phải đạt thỏa thuận trước ngày 31/10 tới để có thể được phê chuẩn trước khi kết thúc năm 2020 - thời điểm Anh sẽ rời thị trường chung EU và liên minh thuế quan.

Dù Anh đã chính thức rời EU nhưng những điều khoản chính liên quan đến quan hệ song phương vẫn duy trì theo mô hình cũ cho tới khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào cuối năm 2020.

Trong thời gian này, hai bên nỗ lực đàm phán để tiến tới một thỏa thuận thương mại song phương, đảm bảo không gián đoạn hoạt động giao thương sau giai đoạn chuyển tiếp.

Nếu hai bên không thể đạt thỏa thuận đúng hạn chót thì thương mại toàn cầu sẽ càng thêm hỗn loạn, trong bối cảnh các nền kinh tế đều đang nỗ lực nối lại hoạt động sau thời gian phong tỏa vì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Dự kiến vào cuối tháng này, hai bên sẽ tiếp tục quay lại bàn đàm phán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục