Phát hiện các mảnh vỡ

Phát hiện các mảnh vỡ thiên thạch trong vụ nổ ở Nga

Ngày 18/2, các nhà khoa học Nga đã phát hiện ra các mảnh vỡ thiên thạch trong vụ nổ thiên thạch xảy ra tại tỉnh Chelyabin mới đây.
Ngày 18/2, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Tổng hợp Liên bang Ura ls của Nga tuyên bố đã phát hiện ra các mảnh vỡ thiên thạch trong vụ nổ thiên thạch xảy ra tại tỉnh Chelyabin mới đây.

Một trong số đó được gọi là thiên thạch Chebarkul, theo địa danh một khu vực thuộc tỉnh Chelyabin.

Phó Giáo sư Viktor Grokhovsky cho biết các mảnh thiên thạch này có thể so sánh được với thiên thạch Sikhote-Alin, thiên thạch sắt lớn nhất có khối lượng gần 70 tấn, đã rơi vào Trái Đất năm 1974.

[Vụ nổ thiên thạch tương đương 20 quả bom nguyên tử]


Lao vào bầu khí quyển của Trái Đất với tốc độ vũ trụ, thiên thạch này đã nổ tung thành hàng nghìn mảnh, tạo thành cơn mưa thiên thạch sắt trên diện tích 3km2 và cơn mưa sao băng trong phạm vi bán kính lên đến 400 km.

Theo dự báo của nhà khoa học Grokhovsky, sẽ không thể có những vụ nổ thiên thạch hay sao băng có kích thước tương tự.

Theo Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga, vụ nổ thiên thạch xảy ra sáng 15/2 có sức công phá hơn 300-500 kiloton, tương đương với 20 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945.

Thiên thạch có đường kính gần 15m và nặng khoảng 7.000 tấn đã lao vào khí quyển với vận tốc 64.000 km/giờ và phát nổ ở độ cao 19-24 km so với mặt đất, gây ra đám mưa thiên thạch trên bầu trời các tỉnh Chelyabin, Tyumen, Kyrgan và Sverdlovsk, cũng như nhiều địa phương ven dãy núi Uran.

Hơn 1.200 người dân ở các địa phương nói trên bị thương, trong đó có 50 người phải nhập viện.

Giới khoa học Nga cho biết trong hai thế kỷ 19 và 20, trên thế giới và ở Nga đã có hàng trăm lần mưa thiên thạch, nhưng thường xảy ra vào ban đêm và không gây thiệt hại lớn về người và của./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục