Phát hiện cho thấy “ngôn ngữ của cha mẹ” mang tính toàn cầu

Trong một cuộc nghiên cứu về giao thoa văn hóa quan trọng, các nhà khoa học phát hiện ra rằng nhiều người lớn trên khắp toàn cầu đã sử dụng một loại "ngôn ngữ của cha mẹ" chung để trò chuyện với con.
Phát hiện cho thấy “ngôn ngữ của cha mẹ” mang tính toàn cầu ảnh 1"Ngôn ngữ đặc biệt" mà cha mẹ dùng để giao tiếp với trẻ sơ sinh mang tính toàn cầu. (Nguồn: NY Times)

Chúng ta hẳn đều đã chứng kiến, thích thú và làm giống như những người khác: nói chuyện với một trẻ sơ sinh theo cách thức thật trẻ con.

"Ôi chào con yêu," bạn hẳn sẽ nói vậy, với một chất giọng cao vút lên như một người bán hàng đang quảng cáo các món đồ hấp dẫn nhất của mình ngoài chợ. Con bạn hẳn sẽ sửng sốt trước những thái độ và lời nói ấy của bạn, vốn khiến chúng chẳng hiểu gì cả.

Các nhà nghiên cứu cho rằng việc sử dụng một tông giọng cao, lanh lảnh như đang hát, để trò chuyện với trẻ sơ sinh -  một kiểu “ngôn ngữ giao tiếp mà chỉ bậc làm cha, làm mẹ mới hiểu” - dường như là điều phổ biến với các bậc phụ huynh trên khắp thế giới.

Trong một cuộc nghiên cứu quy mô lớn,  40 nhà khoa học đã tham gia thu thập và khảo sát 1615 đoạn ghi âm giọng nói của 410 người lớn trên sáu châu lục. Họ sử dụng 18 loại ngôn ngữ thuộc nhiều vùng miền khác nhau như nông thôn và thành thị; thuộc nhiều sắc tộc khác nhau. Họ có thể là các tín đồ công nghệ sống ở thành phố lớn như Bắc Kinh, hoặc là thợ săn sống trong các bộ lạc ở Tanzania.

Các kết quả được công bố gần đây trên tạp chí Nature Human Behaviour cho thấy rằng trong mọi nền văn hóa, các bậc cha mẹ giao tiếp và ca hát cho con họ theo một cách riêng, khác hẳn cách họ trò chuyện với người trưởng thành.

“Chúng ta thường trò chuyện với trẻ sơ sinh bằng tông giọng chói và khá cao”, điển hình như câu “Ôi xin chào bé con!”, Courtney Hilton, một nhà tâm lý học và là người đồng lãnh đạo nhóm nghiên cứu tại Phòng xét nghiệm Haskins, Đại học Yale, cho biết.

Cody Moser, một nghiên cứu sinh ngành khoa học nhận thức tại Đại học California, nói thêm rằng: “Khi mọi người hát ru và trò chuyện với con mình, họ sẽ gần như biến thành một đứa trẻ.”

Greg Bryant, một nhà khoa học thuộc ngành nhận thức tại Đại học California, cho biết dù bạn đi bất cứ nơi đâu trên thế giới, sẽ có một âm thanh quen thuộc khi các bậc cha mẹ trò chuyện với trẻ sơ sinh.

Các nhà khoa học từ lâu đã tranh cãi về việc những âm thanh do con người tạo ra với con của họ có đóng vai trò quan trọng trong sự tiến hóa và phát triển của con người.

Samuel Mehr, một nhà tâm lý học và là giám đốc Phòng thí nghiêm âm nhạc tại Phòng thí nghiệm Haskins cho rằng việc người lớn sử dụng những âm thanh đặc biệt như đã đề cập ở trên để trò chuyện với trẻ sơ sinh sẽ giáo dục ngôn ngữ cho trẻ.

Việc sử dụng “ngôn ngữ của cha mẹ” sẽ giúp trẻ sơ sinh ghi nhớ từ ngữ và  luyện ghép âm thanh với khẩu hình miệng dễ dàng hơn. Âm thanh cũng giúp trẻ định hình môi trường  xung quanh tốt hơn. Ngoài ra, các bài hát ru giúp trẻ bình tĩnh, và tông giọng cao giúp giữ cho trẻ tập trung.

Được biết để hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu, các nhà khoa học đã sáng tạo ra trò chơi “Ai đang nghe?”. Đây là một ứng dụng trực tuyến, đã thu hút 50.000 dùng trên khắp toàn cầu tham gia. Những người tham gia được yêu cầu nhận định xem một bài hát hay đoạn ghi âm phát trong trò chơi là cuộc trò chuyện với trẻ em hay với người lớn.

Kết quả hầu hết người nghe có thể phân biệt chính xác 70% các đoạn ghi âm là dành cho trẻ em hay người lớn, dù họ chưa từng nghe qua hay quen thuộc với ngôn ngữ và nền văn hóa của người đang nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục