Phát hiện dấu vết người tiền sử ở cố đô Hoa Lư

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy lớp trầm tích trong lòng hang có màu đỏ, xuất lộ xương động vật cùng vỏ nhuyễn thể nước ngọt như ốc núi, ốc suối.

Trong một đợt điều tra khảo cổ mới đây, cán bộ Phòng Di sản-Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Bình đã phát hiện một số di vật ở hang Son - nằm trong khu vực thành Ngoại của Cố đô Hoa Lư.

Anh Cao Tấn, một cán bộ Phòng Di sản cho biết đoàn đã thấy lớp trầm tích trong lòng hang có màu đỏ, xuất lộ xương động vật cùng vỏ nhuyễn thể nước ngọt như ốc núi, ốc suối. Đây là sự tích tụ trầm tích gồm những gì con người thời tiền sử đến đây sinh sống để lại, thuộc thời hậu kỳ Pleitocene cách ngày nay trên 10.000 năm.

Trong lòng hang còn xuất lộ rất nhiều vỏ nhuyễn thể biển như ngao dầu, ốc bù giác, hàu biển... Loài nhuyễn thể biển xuất lộ trên địa bàn này khá phổ biến trong giai đoạn biển tiến Holocene, cách ngày nay từ 5.000 - 7.000 năm.

Như vậy, tại hang Son có thể có sự cư trú của con người thời tiền sử ở cả hai giai đoạn có môi trường khá khác biệt nhau. Giai đoạn đầu là môi trường sống quanh những thung lũng đá vôi, sông suối nước ngọt; giai đoạn sau là môi trường vịnh biển, do đợt biển tiến Holocene tạo ra.

Tuy nhiên để xác định giá trị của hang Son cần phải quy hoạch, bảo tồn và có sự nghiên cứu công phu và kết luận của các nhà nghiên cứu chuyên môn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục