Phát hiện ổ dịch mới, số người mắc COVID-19 ở Hàn Quốc tăng trở lại

Số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Hàn Quốc lại tăng lên sau khi Cơ quan Y tế nước này ngày 27/3 phát hiện thêm một ổ dịch mới tại bệnh viện Jamie ở thành phố Daegu, miền Đông Nam nước này.
Phát hiện ổ dịch mới, số người mắc COVID-19 ở Hàn Quốc tăng trở lại ảnh 1Nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm COVID-19 đối với hành khách đến từ châu Âu tại sân bay quốc tế Incheon, phía Tây thủ đô Seoul, Hàn Quốc, ngày 26/3/2020. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc dẫn thông báo của Cơ quan Quản lý và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ngày 28/3 cho biết tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nước này đã lại tăng thêm 146 ca lên 9.478 ca, trong khi số ca tử vong tăng thêm 5 ca lên 144 ca.

Theo KCDC, số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Hàn Quốc lại tăng lên sau khi Cơ quan Y tế nước này ngày 27/3 phát hiện thêm một ổ dịch mới tại bệnh viện Jamie ở thành phố Daegu, miền Đông Nam nước này, và nhiều ca mắc bệnh từ nước ngoài về.

Brunei có ca tử vong đầu tiên

Trong khi đó, tại Brunei, chính quyền nước này đã công bố về ca đầu tiên tử vong do bệnh COVID-19, theo đó, người tử vong là một người đàn ông 64 tuổi, bị mắc bệnh sau khi trở về từ Malaysia và Campuchia.

Số liệu thống kê cho thấy cho đến nay tại Brunei đã có 115 ca mắc COVID-19, trong đó có một số ca liên quan đến một lễ hội truyền giáo ở Malaysia.

Tuy nhiên theo chính quyền Brunei, ca tử vong nói trên không liên quan đến lễ hội truyền giáo này.

Australia huy động quân đội chống dịch

Trong một diễn biến liên quan, theo phóng viên TTXVN tại Sydney, quân đội Australia sẽ được huy động để đảm bảo việc các công dân nước này từ nước ngoài trở về tuân thủ các quy định tự cách ly bắt buộc tại các khách sạn hay cơ sở lưu trú khác trong hai tuần khi các quy định kiểm dịch COVID-19 nghiêm ngặt mới này có hiệu lực từ đêm ngày 28/3.

[Mega Story] Mỹ phản ứng như thế nào trước đại dịch COVID-19?

Ngày 27/3, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết các nhân viên của Lực lượng Quốc phòng Australia (ADF) sẽ hỗ trợ cảnh sát các bang và vùng lãnh thổ trong việc thực thi các quy định trên nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 trên toàn quốc trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tai nước này đã vượt quá 3.000 ca và có tới 13 ca tử vong tính đến ngày 27/3.

Các hạn chế ngặt nghèo đối với công dân trở về từ nước ngoài sẽ có hiệu lực từ ngày 28/3.

Tuy nhiên, Australia sẽ không thực hiện việc phong tỏa toàn bộ đất nước.

Thủ tướng Morrison nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hoạt động của nền kinh tế cũng như việc làm cho người dân Australia.

Ông nêu rõ nước này đang phải chiến đấu với dịch COVID-19 trên cả hai mặt trận: chống virus SARS-CoV-2 và ngăn chặn khủng hoảng kinh tế do virus này gây ra.

Chính phủ đang nỗ lực nhằm đảm bảo sự cân bằng giữa các biện pháp hạn chế xã hội để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và các tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế.

Thổ Nhĩ Kỳ phong tỏa hàng chục địa phương

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 27/3, chính quyền nước này đã áp dụng lệnh phong tỏa hàng chục địa phương trên cả nước nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu cho biết tổng cộng 12 thị trấn và làng mạc tại quốc gia này đã được phong tỏa. Các hoạt động giao thông đi và đến những khu vực này đều bị cấm.

Hiện số ca tử vong do bệnh COVID-19 tại nước này là 92 và số ca nhiễm tăng lên 5.698 ca.

Trong một bài phát biểu trực tuyến cùng ngày, Tổng thống Tayyip Erdogan cũng công bố các biện pháp bổ sung để ứng phó với dịch bệnh, trong đó có lệnh hoãn các chuyến bay quốc tế.

Các địa điểm dã ngoại, rừng, các điểm khảo cổ cũng đóng cửa trong các dịp cuối tuần.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã áp dụng một số biện pháp như đóng cửa các trường học, các trận đá bóng nhưng chưa ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc.

Tổng thống Erdogan kêu gọi người dân tuân thủ các điều kiện tự cách ly và tránh ra ngoài khi không thực sự cần thiết.

Israel hạn chế người dân đi lại

Tại Israel, theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã ban hành thêm một số biện pháp mạnh nhằm hạn chế lây lan của COVID-19, trong đó có việc hạn chế người dân đi lại trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm.

Theo nhà lãnh đạo Israel, nếu không có sự thay đổi về tỷ lệ nhiễm bệnh trong hai ngày tới, chính phủ sẽ phải áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc.

Để thắt chặt quy định hạn chế đi lại, quân đội Israel sẽ triển khai lực lượng vào ngày 29/3 để hỗ trợ lực lượng cảnh sát trong việc tuần tra trên các đường phố nhằm đảm bảo việc thực thi lệnh phong tỏa một phần đất nước.

Khoảng 500 binh sỹ quân đội sẽ tham gia cùng với lực lượng cảnh sát trong các hoạt động như tuần tra, cách ly và đảm bảo an ninh cho một số khu vực; phong tỏa các tuyến đường và những nhiệm vụ tương tự.

Ngoài ra, Thủ tướng Netanyahu cũng đang xem xét gói cứu trợ khẩn cấp trị giá hơn 80 tỷ shekels (22 tỷ USD) nhằm giảm bớt khủng hoảng do đại dịch gây ra và ổn định nền kinh tế.

Số người mắc COVID-19 được xác nhận tăng mạnh do Israel tăng số lượng xét nghiệm người có khả năng nhiễm bệnh.

Theo Bộ Y tế Israel, nước này sẽ tiến hành xét nghiệm 10.000 trường hợp/1 ngày vào tuần tới và 30.000 người trong 2 tuần so với con số 6.000 người vào thời điểm hiện tại.

Tính đến ngày 27/3, Bộ Y tế Israel cho biết số ca mắc COVID-19 tại nước này là 3.035 người, trong đó 47 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch. Hiện đã có 12 ca tử vong tại Israel./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục