Phát huy giá trị các di sản văn hóa, quảng bá đến bạn bè quốc tế

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh bổn phận người làm văn hóa phải phát huy các di sản văn hóa, đưa di sản thành tài sản, quảng bá giá trị đến bạn bè quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Ngày 14/11, Cụm thi đua các thành phố trực thuộc Trung ương (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi đua ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2023, tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Cụm thi đua các thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Đánh giá thi đua của Cụm, ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trong năm 2023, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, sự kiện được tổ chức sôi động, vượt từ 150-200% chỉ tiêu đề ra, mang tầm Quốc gia và khu vực, phục vụ nhiệm vụ chính trị, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân và du khách.

Năm thành phố chú trọng tận dụng nguồn lực xã hội hóa, khai thác hiệu quả các nguồn lực xã hội cùng tham gia vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, từng bước giảm dần sự phụ thuộc ngân sách.

Điển hình, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với các sở, ban, ngành quản lý tổ chức thành công “Chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới của BlackPink 2023,” tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở còn tổ chức hơn 1.500 buổi diễn với tổng doanh thu hơn 28,5 tỷ đồng, thu hút 666.800 lượt khán giả.

Nhà hát Trưng Vương và Đoàn ca múa nhạc nhà hát thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng tổ chức, phối hợp tổ chức 138 buổi biểu diễn, thu hút 151.000 lượt người xem.

Với vai trò Cụm trưởng, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh thẩm định cấp phép 531 chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, các cuộc thi, 8 hồ sơ cá nhân tham gia cuộc thi người đẹp ở ngước ngoài. Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Liên hoan Phim ngắn và Liên hoan Ảo thuật Toàn quốc.

Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất tiến hành nghiên cứu đề án khoa học: nghiên cứu đề xuất giải pháp khuyến khích các nguồn lực xã hội trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trên địa bàn Thành phố, giai đoạn 2021-2035.

Theo ông Võ Trọng Nam, về cơ sở vật chất, đầu tư các thiết chế văn hóa, Thành phố Hồ Chí Minh có 27 công trình đạt chuẩn đăng cai tổ chức, biểu diễn, thi đấu các giải quốc gia, quốc tế. Trong đó, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố quản lý 5 công trình gồm Sân vận động Thống Nhất, Nhà thi đấu Phú Thọ, Câu lạc bộ bơi lặn Phú Thọ, Câu lạc quần vợt Phú Thọ, Trung tâm Thể thao dưới nước Yết Kiêu; 17 công trình do quận, huyện quản lý và 5 công trình do các cơ quan, đơn vị khác quản lý như Sân vận động Quân khu 7, Nhà thi đấu Quân khu 7, Trường bắn thể thao Quốc phòng trong khu Di tích địa đạo Củ Chi, các Nhà thi đấu Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Tôn Đức Thắng.

Trong năm 2023, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thông qua kế hoạch bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025, đầu tư 25 dự án. Số dự án phát sinh mới trong năm 2023 là 53 dự án (tăng 165%). Theo Sở, đến nay, có 28/53 dự án được thông qua chủ trương đầu tư, gồm 21 dự án (nhóm A, B) với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 6.479 tỷ đồng và 7 dự án (nhóm C) với mức đầu tư dự kiến hơn 139,7 tỷ đồng.

“Sự quan tâm kịp thời trong đầu tư cơ sở vật chất là tiền đề phát triển các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thu hút các đơn vị tổ chức sự kiện đến Việt Nam,” ông Võ Trọng Nam nói.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết năm 2023, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, có nhiều nội dung vượt chỉ tiêu, nhiều mô hình, giải pháp nổi bật, phát huy được thế mạnh, nét đặc trưng của từng thành phố; là động lực để phát triển ngành trong thời gian tới.

ttxvn_ong hung14.1.jpg
Tuyên dương các mô hình tiêu biểu của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2023. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Các phong trào thi đua yêu nước được phát động và triển khai theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân các thành phố. Các Sở đã hoàn thành nhiệm vụ được phân công, các gương điển hình tiên tiến xuất hiện ngày càng nhiều, góp phần xây dựng đơn vị, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn vững mạnh.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng “Động lực-Trung tâm” là hai từ khóa để ghi nhận, biểu dương những gì 5 thành phố đạt được, trong đó có các điển hình thuộc ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Các điển hình cần phát huy, đổi mới hơn nữa, thay đổi cơ chế chính sách, hướng đến công nghiệp văn hóa.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong rằng các cán bộ ngành Văn hóa luôn ghi nhớ tinh thần, lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh - “Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông,” câu tục ngữ “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao,” để từ đó tu dưỡng, trui rèn phẩm chất, ý chí đoàn kết, càng khó khăn càng phải quyết liệt, bản lĩnh.

Bổn phận người làm văn hóa phải phát huy các di sản văn hóa, đưa di sản thành tài sản, quảng bá giá trị đến bạn bè quốc tế trên nền tảng phát huy nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, người làm công tác văn hóa hay cán bộ văn hóa phải yêu văn hóa, hiểu văn hóa và trọng văn hóa.

Nhân dịp này, Ban Tổ chức tuyên dương 14 mô hình tiêu biểu ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch các thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023; trong đó, Cần Thơ có 2 mô hình, Đà Nẵng 3 mô hình, Hà Nội 3 mô hình, Hải Phòng 2 mô hình và Thành phố Hồ Chí Minh 4 mô hình.

Năm 2024, Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng đảm nhận vai trò Cụm trưởng; Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng làm Cụm phó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục