Văn chương Văn Cao: 'Mỗi câu chữ dính trầm của tư tưởng'

Khác với những sự kiện tôn vinh “tượng đài nghệ thuật” Văn Cao gần đây, hội thảo và ra mắt sách “Văn Cao mùa chữ, mùa người” tập trung tôn vinh những đóng góp của ông ở mảng thơ ca.

Cuốn sách do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Cuốn sách do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sỹ Văn Cao (15/11/1923-15/11/2023), ngày 14/11, tại Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức hội thảo và ra mắt sách “Văn Cao mùa chữ, mùa người” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.

Phát biểu tại buổi lễ, nhà báo Trần Nhật Minh, Trưởng Ban Văn học nghệ thuật (VOV6) cho hay Văn Cao được ví như thiên tài nắm giữ “ba con ngựa ô”: Thi ca, âm nhạc và hội họa. Thế nhưng, mảng âm nhạc của ông được công chúng biết đến nhiều, còn “con ngựa ô” thi ca của Văn Cao thì chưa nhiều người biết.

Bởi thế, VOV6 tổ chức hội thảo và ra mắt tuyển tập phê bình đầu tiên về thơ Văn Cao, giúp công chúng có cái nhìn đầy đủ hơn, trọn vẹn hơn về sự cống hiến, đóng góp của ông trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

vnp_vancao.jpg
Quang cảnh buổi ra mắt sách. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Sách gồm 21 bài tiểu luận, nghiên cứu của 21 tác giả từ những góc nhìn khác nhau. Có tác giả khái quát tài năng của Văn Cao như bài “Thiên tài Văn Cao và “Ba con ngựa ô”: Thi ca, âm nhạc và hội họa” (Nguyễn Việt Chiến), “Người tiên tri của cách mạng” (Phạm Xuân Thạch). Có tác giả khác đi sâu vào quá trình sáng tác thơ của Văn Cao, như “Văn Cao, một tiếng thơ vang vang cả lòng cả đáy” (Nguyễn Hoài Nam), “Văn Cao, một đường thơ” (Phùng Gia Thế), “Văn Cao thơ-hôm qua và hôm nay” (Bùi Việt Thắng)...

Bên cạnh những bài tiểu luận, nghiên cứu, cuốn sách còn có phụ bản thơ về Văn Cao của các tác giả Thanh Thảo, Nguyễn Thụy Kha, Hồng Thanh Quang, Đỗ Bạch Mai, Trần Mai Hưởng... Cuốn sách cũng giới thiệu các bìa và minh họa sách do Văn Cao sáng tác như tiểu thuyết “Búp sen xanh,” “Tuyển tập thơ Victor Hugo”...

Phó Giáo sư-Tiến sỹ, nhà lý luận phê bình văn học Phùng Gia Thế, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho rằng Văn Cao sáng tác thơ không nhiều, khoảng trên dưới 70 bài, chủ yếu là thơ tự do hiện đại. Cách đặt nhan đề, cấu trúc bài thơ luôn được ông “lạ hóa,” độc đáo nhưng không bí hiểm.

vnp_vancao1.jpg
Nhà báo Trần Nhật Minh, Trưởng Ban Văn học nghệ thuật (VOV6) phát biểu. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Ngô Văn Giá cũng đánh giá thơ Văn Cao ẩn chứa sức sống của tinh thần kiệm chữ trong thơ.

“Tinh thần kiệm chữ, chắt lọc chữ, giàu có về họa tính và những năng lực tổng hợp khác nữa rất khó gọi tên ở Văn Cao đã khiến cho người đọc có cảm giác mỗi bài thơ là sự cất tiếng tự nhiên từ tim óc, mỗi câu chữ dính trầm của tư tưởng. Thơ cũng như ca từ trong âm nhạc Văn Cao làm nên sự giàu có và quyền năng cho tiếng Việt,” Phó Giáo sư-Tiến sỹ Ngô Văn Giá nhận định.

Họa sỹ Văn Thao, con trai của nhạc sỹ Văn Cao xúc động khi nhận được tình cảm, sự yêu mến của các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình văn học nghệ thuật: “Viết về Văn Cao đã có hàng trăm, hàng nghìn người viết, cả những người có chuyên môn và không có chuyên môn, qua đó thấy được tấm lòng của mọi người dành cho cha tôi rất sâu đậm.”

Họa sỹ Văn Thao khẳng định nhân cách của nhạc sỹ Văn Cao nằm ngay trong các tác phẩm của mình.

“Sáng tác của cha tôi đã lan tỏa đến đời sống, nhân cách của ông được nhiều người nhắc đến, nhớ đến, dẫu cha tôi đã về với ‘thế giới người hiền’ gần 30 năm qua,” họa sỹ Văn Thao bày tỏ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục