Phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của Di tích Quốc gia Đặc biệt chùa Tây Phương

Ngày 22/2/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 190/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia Đặc biệt chùa Tây Phương.

Du khách thập phương đến vãn cảnh chùa Tây Phương vào ngày lễ, ngày rằm. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)
Du khách thập phương đến vãn cảnh chùa Tây Phương vào ngày lễ, ngày rằm. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Chùa Tây Phương hay còn gọi "Tây Phương cổ tự" có tên chữ "Sùng Phúc tự" là di tích thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật, nằm trên địa phận xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km về phía Tây.

Về sự ra đời của ngôi chùa còn lưu truyền trong vùng gắn với nhiều truyền thuyết nhưng chứng tích vật chất liên quan tới ngôi chùa, đó là thời Mạc Phúc Nguyên (1547-1561). Đây chính là thời điểm để ngôi chùa có quy mô như hiện nay. Sau đó, Vua Lê Thần Tông, Chúa Tây Vương Trịnh Tạc, Vua Lê Hy Tông có tu sửa thêm, nhưng không nhiều.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, di tích Chùa Tây Phương là ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam còn bảo tồn, lưu giữ được hệ thống tượng Phật là những kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam.

2302chuaTayphuong2.jpg
Những pho tượng Phật cổ có niên đại hơn 300 năm tuổi ở trung đường chùa Tây Phương. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Chùa Tây Phương hiện nay là một quần thể các đơn nguyên, bao gồm các hạng mục Tam quan hạ, Tam quan thượng, Miếu Sơn Thần, Tiền đường, Trung đường, Thượng điện, Nhà tổ, Nhà Mẫu và Nhà khách.

Từ Tam quan hạ phái đi lên 247 bậc đá ong mới đến Tam quan Thượng. Miếu Sơn Thần nằm ở bên trái chùa, tách biệt với khu chùa chính. Đây là đơn nguyên vừa đóng vai trò là nơi thờ thần núi, vừa là nhà thờ Đức Ông, có diện tích khiêm tốn với kiến trúc gỗ lợp ngói truyền thống.

Chùa Tây Phương chính sở hữu rất nhiều những bức tượng pháp với những kiệt tác hiếm có trong nghệ thuật điêu khắc tôn giáo. Xung quanh chùa có những bức chạm trổ hoa sen, hoa cúc, rồng phượng, hổ phù vô cùng tinh xảo được làm dưới bàn tay của các nghệ nhân tài hoa ở làng Chàng Sơn - làng nghề mộc nổi tiếng lâu đời.

Có thể kể đến như bộ tượng Tam Thế Phật với 3 pho tượng Quá khứ, Hiện tại và Vị lai; bộ tượng Di đà Tam Tôn, tượng Tuyết Sơn trong thời kỳ khổ hạnh…. 16 pho tượng Tổ với phong cách hiện thực.

Đặc biệt, chùa Tây Phương còn sở hữu 18 pho tượng La Hán với những dáng vẻ, biểu cảm gương mặt khác nhau.

Đáng chú ý trong các kiệt tác nghệ thuật điêu khắc của chùa Tây Phương là hệ thống tượng Phật mang phong cách hiện thực. Ẩn chứa trong mỗi pho tượng là thần thái nội tâm, đạo lực từ bi, vị thiền, giải thoát đều hiển hiện dưới từng nét chạm, sinh động, từ nếp áo đến dáng điệu. Trong số này, pho tượng Tuyết Sơn, tượng La Hầu La Đa được xem là tượng đẹp nhất trong toàn bộ nền nghệ thuật điêu khắc Việt Nam.

Với những giá trị đặc sắc riêng, năm 2014, chùa Tây Phương được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt và Bộ tượng Phật giáo chùa Tây Phương thời Tây Sơn, niên đại cuối thế kỷ 18 được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Lễ hội chùa Tây Phương là một nét đẹp văn hóa truyền thống, một sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của người Thạch Thất và du khách.

Mùa lễ hội hàng năm tại Di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Tây Phương diễn ra từ đầu xuân năm mới, chính hội là ngày 6/3 âm lịch và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch với câu ca lưu truyền trong vùng:

"Tây Phương phong cảnh hữu tình
Rủ nhau trẩy hội có mình có ta
Nhớ ngày Mùng 6 tháng 3
Ăn cơm với cà trẩy hội chùa Tây"

Lễ hội chùa Tây Phương vào ngày 6/3 âm lịch, nhưng được diễn ra nhiều ngày trước đó với nhiều sinh hoạt văn hóa mang đậm chất xứ Đoài, đó là kéo co, đánh cờ, vật, chọi gà, rối nước, hát xứ Đoài… cùng với nghi thức cúng Phật trang nghiêm như lễ mộc dục, chạy đàn, tụng kinh, kế hạnh… đã tạo nên một không khí, không chỉ quy mô hội làng mà còn mở rộng ra vùng và liên vùng.

2302chuaTayphuong3.jpg
Mái đao cong có gắn tứ linh bằng sành nung rất tinh xảo, thanh thoát ở chùa Tây Phương. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của chùa Tây Phương, ngày 22/2/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 190/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia Đặc biệt chùa Tây Phương.

Đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch gồm các giá trị di sản văn hóa, tài sản, hiện vật gắn với di tích và công tác quản lý bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch; cảnh quan núi non, thảm thực vật, động vật, các giá trị cảnh quan, sinh học, thủy văn... trong khu vực di tích; các yếu tố kinh tế xã hội, dân cư, môi trường khu vực, các thể chế chính sách có liên quan; hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, thực trạng đầu tư xây dựng, tình hình sử dụng đất tại khu vực lập quy hoạch; tổng thể hệ thống di tích và khu vực xung quanh di tích...

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm cụ thể hóa các nội dung của Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực liên quan đảm bảo phù hợp với việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích.

Quy hoạch giúp bảo tồn, gìn giữ lâu dài các giá trị hiện hữu của chùa Tây Phương cùng các di sản văn hóa liên quan; góp phần phục hồi các di sản văn hóa đã bị mai một hoặc bị hủy hoại; bảo đảm duy trì sự toàn vẹn của các di tích; tôn vinh các giá trị di tích; nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Đồng thời, phát huy giá trị, vai trò của di sản văn hóa liên quan trong thu hút du khách, tổ chức và góp phần tạo môi trường thuận lợi để tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội truyền thống một cách an toàn, hiệu quả; phát triển du lịch bền vững, tạo thêm nguồn thu nhập, tạo cơ hội kinh doanh và việc làm cho cộng đồng dân cư địa phương, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Xác định lại ranh giới, khoanh vùng bảo vệ di tích; chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực di tích, khu vực dân cư và khu vực bảo vệ môi trường; quy hoạch tổ chức không gian, bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn, phát huy giá trị di tích...

Theo quy hoạch, khu di tích có tính chất là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đặc biệt, nơi lưu giữ các bảo vật quốc gia; nằm trong khu vực tập trung nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, làng nghề truyền thống, các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia... phản ánh tính liên tục xuyên suốt của văn hóa truyền thống và lịch sử dân tộc.

Chùa Tây Phương sẽ là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng; nơi tổ chức các lễ hội truyền thống của đông đảo người dân huyện Thạch Thất và vùng lân cận; điểm du lịch hấp dẫn của thành phố Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục