Phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương Việt Nam-Pakistan

Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19, song kim ngạch thương mại Việt Nam-Pakistan vẫn đạt 794 triệu USD và đang hướng tới mốc 1 tỷ USD trong thời gian tới.
Phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương Việt Nam-Pakistan ảnh 1Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Nhằm góp phần tăng cường hiểu biết về quan hệ hợp tác Việt Nam-Pakistan, ngày 8/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Pakistan tại Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế "50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pakistan."

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Tiến sỹ Phạm Cao Cường, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á cho biết từ thời điểm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1972 đến nay, quan hệ Việt Nam-Pakistan đã không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực.

Lãnh đạo cấp cao hai nước đã tiến hành thăm viếng lẫn nhau và đạt được những nhận thức chung quan trọng nhằm thúc đẩy sự hợp tác nhiều mặt. Với nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ kinh tế-thương mại Việt Nam-Pakistan đã gặt hái được những thành quả rất đáng phấn khởi.

Kể từ tháng 1/2014, thương mại song phương giữa hai nước đã tăng từ 331 triệu USD lên 644 triệu USD vào năm 2016, tăng trung bình gần 32%.

Năm 2021, mặc dù các nước chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra nhưng kim ngạch vẫn đạt 794 triệu USD, cao nhất trong lịch sử hợp tác thương mại giữa hai nước.

Một điểm mới là trong những năm gần đây là nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã bắt đầu chú ý và triển khai những dự án đầu tư lớn vào Pakistan, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.

[Việt Nam mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác với Pakistan]

Bên cạnh đó, hai nước đã bàn nhiều biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác về nông, lâm nghiệp, thủy sản, giao thông vận tải, sản xuất thiết bị điện, lắp ráp ôtô, du lịch, xây dựng, công nghệ thông tin...

Do đó, hội thảo là cầu nối để các học giả trong và ngoài nước công bố những kết quả nghiên cứu mới nhất, qua đó đánh giá toàn diện về tình hình và triển vọng xây dựng, phát triển quan hệ song phương Việt Nam-Pakistan; đồng thời định hướng một số lĩnh vực hợp tác góp phần tăng cường, phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam-Pakistan.

Phát biểu chào mừng hội thảo, bà Samina Mehtab, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Hồi giáo Pakistan tại Việt Nam cho biết năm 2022 đánh dấu chặng đường 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương giữa Việt Nam-Pakistan, là cột mốc thời gian để hai nước cùng nhau ôn lại quá khứ, đánh giá thực tại và vững bước hướng tới tương lai.

Thời gian tới, hai bên sẽ thúc đẩy các hoạt động kỷ niệm, tăng cường giao lưu và trao đổi đoàn các cấp; duy trì và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, thúc đẩy đàm phán ký kết các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, hàng không và vận tải biển, tạo hành lang pháp lý mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực liên quan.

Hai bên cũng cần tăng cường gặp gỡ cấp cao, hợp tác giữa các bộ, ngành và các hoạt động kinh tế, phát huy thế mạnh của mỗi nước, đưa kim ngạch thương mại sớm đạt 1 tỷ USD trong thời gian tới.

Hai bên cũng cần mở rộng hợp tác trên các diễn đàn đa phương, phối hợp phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, sớm ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp.

Khái quát 50 năm quan hệ Việt Nam-Pakistan, về thực trạng và triển vọng, ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng ban Á-Phi, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho rằng 50 năm qua, quan hệ Việt Nam-Pakistan đã có những bước phát triển đáng khích lệ, trong đó đáng chú ý là chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 5/2001 của người đứng đầu Cơ quan Hành pháp Pakistan Pervez Musharraf và chuyến thăm chính thức Pakistan vào tháng 3/2004 của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trần Đức Lương.

Các chuyến thăm thường xuyên của lãnh đạo cấp cao hai nước cùng với quan hệ Đảng giữa hai quốc gia không ngừng được củng cố, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục phát triển, đạt được nhiều thành tựu đáng kể trên nhiều lĩnh vực.

Những thỏa thuận và nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước đã tạo tiền đề quan trọng cho sự hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Không những vậy, sự ủng hộ giữa hai nước dành cho nhau trong các vấn đề, diễn đàn khu vực và quốc tế khiến cho quan hệ song phương Việt Nam-Pakistan ngày càng được củng cố.

Nhằm tăng cường quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pakistan, ông Lê Trung Hiếu khuyến nghị, hai bên cần tăng cường hơn nữa hoạt động trao đổi đoàn các cấp, thúc đẩy các chuyến thăm, tiếp xúc ở các cấp, đặc biệt là cấp cao và giữa Quốc hội hai nước, triển khai, thực hiện các thỏa thuận cấp cao về hợp tác trong tất cả các lĩnh vực hợp tác cũng như đề ra các chương trình hợp tác mới ở các cấp để đưa quan hệ giữa hai nước ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn.

Đồng thời, hai bên cần tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các đảng lớn của Pakistan; đẩy mạnh liên hoan hữu nghị nhân dân giữa hai nước định kỳ hàng năm, mở rộng thành phần tham gia và đổi mới nội dung của Liên hoan phù hợp với các yêu cầu phát triển và toàn cầu hóa hiện nay.

Cùng với đó, hai bên cần thống nhất Hiệp định hàng không song phương để ký vào thời gian sớm nhất, sớm mở đường bay thẳng giữa hai nước; cần thông tin cho nhau và phối hợp chặt chẽ về lập trường trong các khuôn khổ hợp tác, kể cả các vấn đề về hòa bình, an ninh khu vực và trên thế giới, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế, nhất là ở Liên hợp quốc.

Tại hội thảo, các học giả, các nhà ngoại giao, các nhà khoa học còn bàn luận để làm rõ thêm những khía cạnh những yếu tố tác động đến quan hệ Việt Nam-Pakistan (toàn cầu hóa, cách mạng khoa học-công nghệ, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bối cảnh nội bộ và chiến lược phát triển của hai nước...); các yếu tố "trụ cột" cho quan hệ Việt Nam-Pakistan phát triển (hợp tác kinh tế, thương mại, an ninh..); các giải pháp thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Pakistan (nâng cao nhận thức; cơ chế, chính sách; tăng cường trao đổi văn hóa, khoa học, giáo dục)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục