Phát triển tuyến dân cư vượt lũ: Khó hoàn thành như mong đợi

Chương trình cụm, tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 2 (2009-2013) dự kiến xây dựng 128 cụm, tuyến dân cư, tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều hộ dân vẫn chưa thể vào xây dựng nhà ở.
Phát triển tuyến dân cư vượt lũ: Khó hoàn thành như mong đợi ảnh 1Triển khai xây dựng nhà ở trên tuyến dân cư vượt lũ ở ấp Bình Hòa, xã Bình Thủy, huyện Châu Phú (An Giang). (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Với mục tiêu đảm bảo an toàn và người dân không phải di dời nhà cửa, không bị thiệt hại do lũ lụt gây ra khi sống ven sông, kênh rạch như trước, Chương trình cụm, tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 2 (2009-2013) được thực hiện trên địa bàn tám tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến xây dựng 128 cụm, tuyến dân cư.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều hộ dân vẫn chưa thể vào xây dựng nhà ở khiến tiến độ thực hiện khó hoàn thành như mong đợi.


Chậm tiến độ

Theo kế hoạch thì cuối năm 2013, chương trình cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long tại các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và Cần Thơ phải hoàn thành nhưng do nhiều nguyên nhân, đến hết năm 2013 chưa có địa phương nào hoàn thành và Chính phủ phải gia hạn đến năm 2014 mới kết thúc chương trình.

Sau hơn 5 năm triển khai chương trình, tại các tỉnh đầu nguồn lũ như Long An, Đồng Tháp, An Giang nhiều hạng mục vẫn còn ngổn ngang, khả năng sẽ khó hoàn thành đúng kế hoạch.

Vấn đề bức xúc hiện nay là hầu hết các cụm, tuyến dân cư vượt lũ đều đã hoàn thành các công trình hạ tầng đường, điện, thoát nước, nhưng việc thu hút người dân vào xây nhà ở vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ dân vào xây nhà ở còn thấp.

Ngoài ra, định mức cho vay mỗi hộ 20 triệu đồng để xây nhà ở là quá thấp so với thực tế giá vật tư, nhân công cao như hiện nay, nhiều hộ không có khả năng bỏ thêm tiền để hoàn chỉnh căn nhà theo đúng tiêu chuẩn “3 cứng” của Bộ Xây dựng và tuổi thọ trên 10 năm.

Ông Đinh Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Tháp, cho biết tỉnh phải xây 46 cụm tuyến, để cho 14.321 hộ dân vào sống, nhưng hiện nay mới có khoảng 55% công việc hoàn thành, có khả năng không kịp trong năm 2014 vì còn nhiều khó khăn như xét người dân vào, giao nền nhưng họ chưa xây nhà với lý do chờ xem ngày, xem tuổi nên cứ kéo dài.

Bên cạnh đó, suất vay 20 triệu đồng đến thời điểm này để xây dựng căn nhà đảm bảo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng còn nhiều khó khăn.

Tại An Giang, các cụm, tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 2 đã hoàn thành xây dựng hạ tầng nhưng số lượng hộ dân cần đưa vào ở trong cụm tuyến còn rất lớn (3.703 hộ).

Trên địa bàn tỉnh có tổng số 42 cụm, tuyến dân cư giai đoạn 2 với diện tích 248ha, bố trí được 13.117 nền nhà.

Theo lý giải của địa phương, người dân được xét di dời vào cụm, tuyến dân cư vượt lũ là những hộ sống trong vùng nguy cơ ảnh hưởng lũ và sạt lở cao, đối tượng có cuộc sống và nơi cư trú không ổn định, làm thuê làm mướn hay mưu sinh dọc trên các sông, kênh rạch, gần ruộng đồng nên vẫn chưa quen với lối sống tập trung xa nơi canh tác, không có nơi neo đậu phương tiện sản xuất nên còn chần chừ chưa muốn vào ở.

Mặt khác, đối với những hộ có điều kiện thì bỏ thêm chi phí để hoàn thiện căn nhà, còn những hộ quá nghèo, thì với số tiền 20 triệu đồng được vay thì họ không thể xây nhà lúc này.

Thêm vào đó nhiều người dân mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá trên sông, công tác vận động rất khó khăn, chỉ khi nào quá nguy hiểm họ mới chịu di dời.

Còn ở tỉnh Long An có 165 cụm, tuyến dân cư vượt lũ với 34.138 nền, tỉnh đã làm thủ tục giao 26.377 nền, chiếm 77% tổng số nền quy hoạch.

Hiện nay các cụm, tuyến này đã hoàn thành xong công tác tôn nền, thực hiện các công trình hạ tầng thiết yếu như thoát nước, điện, cấp nước đạt 90% nhưng số dân vào ở chỉ đạt hơn 50% (6.628 hộ).

Chương trình cụm, tuyến dân cư của Long An bước đầu đạt được mục tiêu chính là ổn định chỗ ở lâu dài cho người dân. Sở dĩ chương trình được thực hiện lâu ở Long An vì thay đổi một lối sống, tập quán, suy nghĩ của cư dân không phải dễ, người dân thích đi lại thoải mái, chỗ nào thuận tiện hơn thì ở. Tỉnh đang có kế hoạch đi từng cụm, tuyến dân cư để thống nhất định hướng xử lý nhanh.

Gặp nhiều trở ngại

Theo khảo sát tại nhiều cụm, tuyến dân cư ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp, hiện nay một số cụm, tuyến dân cư mặc dù hệ thống giao thông bên trong cụm, tuyến rất tốt nhưng đường giao thông bên ngoài chưa hoàn chỉnh cũng là nguyên nhân khiến nhiều hộ dân chưa muốn vào cụm, tuyến.

Theo Sở Xây dựng Long An, tỉnh hiện có hơn 6.000km đường nhưng chỉ khoảng 1.000km đường hoàn chỉnh, thậm chí nhiều tuyến tỉnh lộ còn đang nâng cấp nhưng cũng chưa đạt chuẩn cho xe chạy 2 chiều.

Đối với tỉnh Đồng Tháp, nhu cầu người dân vào cụm tuyến còn nhiều vì đặc điểm nước lũ ngập sâu, sạt lở ven sông Tiền, sông Hậu hằng năm rất lớn nhưng hiện nay việc lấp đầy các cụm tuyến dân cư tiến độ chậm, tỷ lệ xét duyệt cao nhưng xây dựng nhà vào ở còn chậm.

Lý giải điều này, ông Đinh Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Tháp, cho rằng Ban chỉ đạo chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư ở các địa phương còn hạn chế về việc vận động người dân vào ở.

Đối với các hộ dân chưa vào cụm, tuyến xây nhà phải tiếp xúc, giám sát sâu người dân, tránh tình trạng các hộ sau khi nhận nền đi làm ăn xa không xây dựng nhà, công tác liên hệ gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù trong quá trình xây dựng cụm, tuyến dân cư, rút kinh nghiệm từ giai đoạn 1, giai đoạn 2 Đồng Tháp đã chọn vị trí các cụm, tuyến dân cư cơ bản thuận tiện nhưng số cụm, tuyến nằm ở vùng sâu, vùng xa, vị trí không thuận lợi chiếm đến 20% tổng số cụm, tuyến trong toàn tỉnh, tình hình giải quyết việc làm vô cùng khó khăn, chưa thu hút được doanh nghiệp đến đầu tư.

Ngoài ra, tình trạng thiếu việc làm là trăn trở đối với người dân vào ở cụm, tuyến dân cư.

Theo ông Huỳnh Thanh Phú, Trưởng Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, hàng năm huyện đều phối hợp với các doanh nghiệp để đào tạo nghề cho lao động nhàn rỗi sống trong các cụm tuyến như đan ghế nhựa, may, đan giỏ xách.

Tuy nhiên, sau khi học xong chỉ giải quyết việc làm trong một thời gian ngắn, đầu ra sản phẩm của các ngành nghề không ổn định nên doanh nghiệp không thuê mướn, đa phần đi các tỉnh khác như Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh để mưu sinh.

Tương tự như vậy, công tác đào tạo nghề ở huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An cũng gắn liền với chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ, thời gian qua cũng đã đào tạo nhiều ngành nghề như đan lát lục bình, chăn nuôi trâu bò, trồng nấm rơm, nhưng chưa có ngành nghề nào phát triển lâu dài.

Trong khi có nhiều hộ mua nền nhưng không vào cụm, tuyến vì chưa có tiền xây nhà thì một số hộ khác lại cho rằng diện tích đất 100 m2/nền là quá nhỏ, không thể để áp dụng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi.

Theo Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Mộc Hóa, phần lớn các hộ dân sống trong cụm tuyến dân cư là hộ nghèo, do tập quán của người dân sống ven ruộng đồng, gần sông nước, khai thác thủy sản tự nhiên theo mùa trong khi cụm tuyến lại ở xa nơi sản xuất cũng là trở ngại khiến người dân không muốn di dời vào nơi ở mới.

Trên địa bàn lại không có xí nghiệp lớn để giải quyết việc làm tại chỗ nên đa số các hộ gia đình không có ruộng canh tác phải đi làm ăn xa, đặc biệt là các cụm tuyến dân cư của xã Tân Thành đến 50% hộ dân xây nhà nhưng bỏ trống để đi làm ăn xa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục