Phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử giai đoạn 2016-2020

Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả giai đoạn 2006-2015, qua đó xác định những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chủ yếu để phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử 2016-2020.
Phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử giai đoạn 2016-2020 ảnh 1Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Ngày 16/10, tại Hà Nội, Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả giai đoạn 2006-2015 thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020, qua đó xác định những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chủ yếu để phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử cho giai đoạn 2016-2020.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg ngày 3/1/2006.

Chiến lược đã đề ra các mục tiêu phát triển năng lượng nguyên tử trên cả hai lĩnh vực ứng dụng bức xạ và đồng vị bức xạ, phát triển điện hạt nhân nhằm từng bước xây dựng, phát triển ngành công nghiệp, công nghệ hạt nhân có đóng góp hiệu quả trực tiếp cho phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước.

Hội nghị đánh giá kết quả giai đoạn 2006-2015 thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu chặng đường 10 năm thực hiện Chiến lược.

Đây cũng là dịp để ghi nhận và đánh giá kết quả đạt được, xác định những thuận lợi, khó khăn cũng như đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển, ứng dụng, đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng cho giai đoạn tới.

Cũng tại hội nghị, ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử đã nêu những kết quả nổi bật trong 10 năm thực hiện Chiến lược như: Việc ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ ở nước ta ngày càng được đẩy mạnh và có những đóng góp tích cực phát triển kinh tế-xã hội đất nước trên nhiều lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, công nghiệp, khí tượng thủy văn, địa chất, khoáng sản, bảo vệ môi trường...

Đặc biệt, trong lĩnh vực y tế, cả nước có trên 30 cơ sở y học hạt nhân đang hoạt động, nhiều đồng vị phóng xạ, dược chất xạ được sử dụng để điều trị bệnh nhân ung thư và một số bệnh lý khác hiệu quả và an toàn.

Trong nông nghiệp, nhờ ứng dụng chiếu xạ gây đột biến, nước ta đã có trên 50 giống cây trồng nông nghiệp, bao gồm các giống lúa, đậu tương, bưởi… năng suất cao, chịu sâu bệnh. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đánh giá Việt Nam là nước đứng thứ 8 trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu về đột biến tạo giống và được trao giải thưởng thành tựu xuất sắc về đột biến tạo giống...

Cũng theo ông Hoàng Anh Tuấn, thực hiện Chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020, giai đoạn 2016-2020, Việt Nam tiếp tục thực hiện ứng dụng rộng rãi, an toàn, hiệu quả bức xạ trong các ngành, lĩnh vực kinh tế xã hội. Trong đó, đảm bảo tỷ lệ dân số được điều trị, chẩn đoán bằng y học hạt nhân, xạ trị, X quang theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới; Nâng cao đáng kể tỷ lệ giống cây trồng đột biến phóng xạ trong cơ cấu cây trồng quốc gia; Chế tạo được một số thiết bị bức xạ...

Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục triển khai điện hạt nhân đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển tiềm lực khoa học công nghệ của đất nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Vì vậy, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực tiếp thu công nghệ mới, từng bước làm chủ công nghệ. Đồng thời, tiếp tục ban hành các văn bản, chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng các cơ sở vật chất kỹ thuật để đảm bảo an toàn, an ninh và ứng dụng hiệu quả của năng lượng nguyên tử.

Trong khuôn khổ hội nghị, Ban tổ chức cũng trưng bày, giới thiệu các kết quả, sản phẩm ứng dụng năng lượng nguyên tử trong nông nghiệp, công nghiệp, y tế, khai thác tài nguyên khoáng sản... giai đoạn vừa qua.

Cũng tại hội nghị, những cá nhân và tập thể có nhiều đóng góp trong nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục