Phe đối lập ở Syria đã thành lập Hội đồng Dân tộc

Phe đối lập ở Syria đã thành lập Hội đồng Dân tộc với lý do "lấp khoảng trống quyền lực" sau khi Tổng thống Bashar Al-Assad từ chức.
Phe đối lập ở Syria đã thành lập Hội đồng Dân tộc mà lý do mà phe này đưa ra là nhằm tạo cơ sở chính trị cho việc "lấp khoảng trống quyền lực sau khi Tổng thống Bashar Al-Assad từ chức."

Thông báo về thành lập Hội đồng Dân tộc Syria được đưa ra sau cuộc họp kín kéo dài 4 ngày qua tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), với sự tham gia của khoảng 50 nhân vật đối lập tại Syria.

Dự kiến, trong hai tuần tới, hội đồng này sẽ họp để bầu ban lãnh đạo và thông qua quy chế.

Trong khi đó, với 33 phiếu ủng hộ, 4 phiếu phản đối và 9 phiếu trắng, Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc (UNHRC) ngày 23/8 đã thông qua một nghị quyết tiến hành điều tra các vi phạm của chính quyền Syria trong các chiến dịch an ninh nhằm giải tán biểu tình ở nước này từ giữa tháng Ba vừa qua. Trung Quốc, Nga và Cuba nằm trong số những nước phản đối việc này.

Ba nước trên cho rằng nghị quyết này phiến diện và mang động cơ chính trị. Một nhà ngoại giao Nga khẳng định: "Văn bản trên chưa tính đến những bước tiến tích cực của lãnh đạo Xyri nhằm ổn định đất nước, thiện chí cam kết đối thoại." Ông cũng cáo buộc hành động này là "nhằm lật đổ một chính phủ hợp pháp." Đại diện của Trung Quốc nói thêm rằng "với việc thông qua nghị quyết, UNHRC chỉ làm phức tạp thêm tình hình và phá hoại tiến trình chính trị tại Syria."

Đại diện của Syria cũng bác bỏ nghị quyết trên, đồng thời khẳng định "văn bản này hoàn toàn mang động cơ chính trị, gửi đi một thông điệp sai lầm, mô tả không đúng tình hình."

Trong khi đó, văn bản trên nhận được sự ủng hộ của toàn bộ 4 quốc gia Arập tham gia UNHRC là Jordan, Kuwait, Arập Xêút và Qatar. Ngoài ra, văn bản còn nhận được sự đồng tình của các nước như Nigeria, Peru, Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Theo nghị quyết vừa được thông qua, chủ tịch Ủy ban điều tra sẽ do Chủ tịch UNHRC chỉ định, và ủy ban sẽ phải trình báo cáo điều tra vào cuối tháng 11 tới, dựa trên việc điều tra tại chỗ. UNHRC cũng kêu gọi triệu tập họp khẩn cấp về tình hình tại Syria.

Đây là cuộc điều tra thứ hai về Syria được UNHRC tiến hành. Một phiên họp của hội đồng này hồi tháng Tư cũng đã lập một ủy ban điều tra về tình hình ngay sau khi các cuộc biểu tình bùng phát. Tuy nhiên, khác với cuộc điều tra của ủy ban vừa được thành lập, tổ điều tra đã không được phép vào được Syria nên phải dựa vào các tài liệu phỏng vấn người dân ở trong và ngoài nước này, cũng như các băng ghi hình, ảnh chụp và các thông tin báo viết. Nhóm điều tra đã đưa ra kết luận rằng "có nhiều bằng chứng cho thấy những vi phạm nghiêm trọng".

Ngày 21/8, đại diện của Syri cho biết các điều tra viên của Liên hợp quốc sẽ được phép vào Syria, song chỉ sau khi "ủy ban tư pháp độc lập của Syria hoàn thành công việc của mình."./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục