Philippines tiêm cho trẻ từ 12 tuổi, Ấn Độ thử nghiệm vaccine Novavax

Philippines tiêm chủng ngừa COVID-19 cho trẻ em để tiến tới mở lại các trường học; Ấn Độ tuyển chọn tình nguyện viên là trẻ em ở từ 7-11 tuổi tham gia thử nghiệm lâm sàng vaccine Novavax của Mỹ.
Philippines tiêm cho trẻ từ 12 tuổi, Ấn Độ thử nghiệm vaccine Novavax ảnh 1Tiêm chủng ngừa COVID-19 cho trẻ em được coi là bước quan trọng để mở lại các trường học ở Philippines. (Nguồn: AFP)

Từ tháng 10 tới, trẻ em Philippines từ 12 tuổi sẽ được tiêm vaccine COVID-19. Đây là quyết định được Chính phủ Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đưa ra ngày 28/9, trong nỗ lực nâng tỷ lệ tiêm chủng của cả nước cũng như chuẩn bị mở cửa lại trường học.

Trước đó, Cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc của Philippines đã phê chuẩn sử dụng vaccine của hãng Pfizer và Moderna để tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên.

Tiêm chủng cho trẻ em được coi là một bước quan trọng để mở lại các trường học ở Philippines, vốn là một trong số ít các quốc gia trên thế giới vẫn đóng cửa trường học kể từ khi đại dịch bùng phát.

Chính phủ Philippines gần đây đã công bố kế hoạch thí điểm mở cửa trở lại 120 các trường tiểu học và trung học, nhưng chỉ có rất ít thông tin chi tiết được công bố.

Tiến độ tiêm phòng COVID-19 tại Philippines hiện vẫn bị đánh giá là chậm chạp. Gần 7 tháng sau khi lô vaccine đầu tiên được chuyển giao cho Philippines, đến nay mới chỉ có 25% người trưởng thành ở nước này đã tiêm vaccine đầy đủ.

Chính phủ Philippines trước đó đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 70% người trưởng thành trước cuối năm 2021.

Theo người phát ngôn của chính phủ, ông Harry Roque, tỷ lệ tiêm vaccine đủ liều tại vùng thủ đô là hơn 72%. Kể từ khi đại dịch bùng phát, Philippines đã ghi nhận tổng cộng 2,5 triệu ca mắc, trong đó có hơn 37.000 ca tử vong.

Ấn Độ thử nghiệm lâm sàng vaccine của Novavax trên tình nguyện viên 7-11 tuổi

Các nhà quản lý dược phẩm Ấn Độ đã cho phép Viện Huyết thanh nước này tiến hành tuyển chọn tình nguyện viên là trẻ em ở độ tuổi từ 7-11 tuổi tham gia cuộc thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng COVID-19 của hãng Novavax (Mỹ).

Theo thông báo của hội đồng chuyên gia của Cơ quan kiểm soát chất lược dược phẩm trung ương Ấn Độ, sau khi xem xét kỹ lưỡng, ủy ban này cho phép Viện Huyết thanh bắt đầu thực hiện việc tuyển chọn tình nguyện viên trong độ tuổi trên.

Viện Huyết thanh đã tiến hành một cuộc thử nghiệm lâm sàng vaccine Covovax - do công ty Novovax của Mỹ phát triển và do viện này sản xuất - ở nhóm đối tượng từ 12-17 tuổi và đã có dữ liệu ban đầu về mức độ an toàn của 100 tình nguyện viên.

Giới chức y tế Ấn Độ vẫn chưa cấp phép sử dụng vaccine của hãng Novavax. Hồi đầu tháng này, Giám đốc điều hành Viện Huyết thanh Ấn Độ Adar Poonawalla bày tỏ hy vọng vaccine của Novavax sẽ được cấp phép tiêm cho nhóm đối tượng dưới 18 tuổi vào tháng 1 hoặc tháng 2/2022.

[Pháp thúc đẩy tiêm vaccine COVID-19, số ca tử vong tại Nga cao kỷ lục]

Cho tới nay, Ấn Độ mới chỉ cho phép tiêm vaccine phòng COVID-19 sử dụng công nghệ DNA của hãng Zydus Cadila cho người trưởng thành và trẻ từ 12 tuổi trở lên.

Thống kê cho thấy quốc gia gần 1,4 tỷ dân này tiêm được hơn 870 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho người trưởng thành.

Hiện, Ấn Độ đứng thứ hai thế giới về số ca mắc COVID-19 với 33.697.581 ca và 447.406 ca tử vong.

Hong Kong (Trung Quốc) kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội

Ngày 28/9, Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) tuyên bố quyết định kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội hiện hành thêm hai tuần nữa cho đến ngày 13/10.

Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong, quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Hong Kong không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng kể từ ngày 17/8. Tuy nhiên, Chính quyền Hong Kong lo ngại tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 trong nhóm người cao tuổi ở đây tương đối thấp, nếu làn sóng dịch thứ 5 bùng phát, người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong rất cao.

Chỉ có 39,8% những người ở độ tuổi 70 và 14,3% những người từ 80 tuổi trở lên đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19.

Chính vì vậy cần phải tiếp tục duy trì các biện pháp phòng dịch và giãn cách xã hội chặt chẽ hiện nay.

Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống áp dụng mô hình hoạt động loại D, nghĩa là nhân viên phục vụ phải tiêm đủ 2 mũi vaccine và 2/3 khách hàng phải được tiêm ít nhất 1 mũi, thì số lượng khách tại bữa tiệc sẽ được tăng lên 240 người.

Đầu tháng này, các chuyên gia y tế Hong Kong đã khuyến nghị chính quyền tiêm mũi tăng cường cho người già và người dân bị suy giảm miễn dịch nhưng hiện vẫn chưa đưa ra thời gian biểu cụ thể, mặc dù các quốc gia như Singapore và Israel đã bắt đầu thực hiện tiêm mũi thứ ba cho người dân.

Trong cùng ngày, Hong Kong ghi nhận 13 trường hợp mắc COVID-19, đều là các ca nhập cảnh và mang chủng virus đột biến L452R, nâng tổng số ca mắc ở đặc khu này lên 12.210 người, với 213 ca tử vong.

Việc kiểm soát cửa khẩu của Hong Kong là một trong những khâu kiểm soát gắt gao nhất thế giới, các du khách phải cách ly tối đa 21 ngày tại các khách sạn được chỉ định, trải qua xét nghiệm bắt buộc cả trong và sau khi cách ly.

Người Hong Kong ở Trung Quốc Đại lục và ở Macau có thể quay trở lại thành phố mà không cần kiểm dịch bắt buộc theo chương trình “Dễ dàng trở lại Hong Kong” nếu xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Trong khi đó, chương trình “Dễ dàng đến Hong Kong” cũng vừa được khởi động hôm 15/9 cho phép những người không phải là người Hong Kong ở tỉnh Quảng Đông và Macau - bao gồm cả người từ Trung Qốc Đại lục và người nước ngoài - đến thành phố mà không cần kiểm dịch bắt buộc.

Tuy nhiên, tối 25/9, Hong Kong đã tạm dừng hai chương trình đối với những du khách từ Macau vì những diễn biến dịch bệnh mới nhất tại đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục