Philippines và bài toán nan giải về giáo dục thời kỳ dịch bệnh

Chương trình học tập theo mô hình kết hợp giữa học trực tuyến, học qua truyền hình và mạng xã hội tại Philippines vấp phải khó khăn khi hầu hết học sinh không có máy tính hoặc mạng Internet ở nhà.
Philippines và bài toán nan giải về giáo dục thời kỳ dịch bệnh ảnh 1Một em học sinh làm bài tập ở nhà tại Manila ngày 6/1 khi các trường học đóng cửa do dịch COVID-19 bùng phát. (Nguồn: Reuters)

Các lớp học ở Philippines bước vào năm học mới trong không khí im lìm, khi hàng triệu học sinh ở nước này buộc phải học tập theo hình thức trực tuyến do đại dịch COVID-19.

Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đã mở cửa trở lại một phần hoặc toàn bộ các trường học và các lớp học trực tiếp, Chính phủ Philippines vẫn duy trì đóng cửa kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.

Tổng thống Rodrigo Duterte cho đến nay vẫn kiên quyết bác bỏ đề xuất mở cửa thí điểm các trường tiểu học và trung học, do lo ngại trẻ em có thể mắc COVID-19 và lây nhiễm cho những người thân lớn tuổi trong gia đình.

Để linh hoạt ứng phó tình hình, Chính phủ Philippines từ tháng 10/2020 đã đưa ra một chương trình "học tập theo mô hình kết hợp," trong đó học sinh học trực tuyến với những tài liệu được in ra giấy và các bài học được phát trên truyền hình và mạng xã hội.

Mặc dù vậy, chương trình này đã vấp phải khó khăn khi hầu hết học sinh ở Philippines không có máy tính hoặc mạng Internet ở nhà.

Kylie Larrobis, 7 tuổi, cho biết: “Em muốn được tới trường. Em chưa từng biết một lớp học thực sự sẽ như thế nào."

Larrobis năm nay bước vào lớp một. Em đã khóc vì không thể hiểu hết các bài học trực tuyến mà em phải học qua điện thoại thông minh của mẹ.

Ông Isy Faingold - Giám đốc phụ trách giáo dục của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Philippines - dẫn kết quả một cuộc khảo sát gần đây cho biết hơn 80% số phụ huynh được hỏi lo lắng rằng con em họ "đang được học ít hơn thường lệ," trong khi khoảng 2/3 số người được hỏi ủng hộ việc mở lại lớp học ở các khu vực có nguy cơ lây nhiễm thấp.

[Dịch COVID-19: Philippines tái áp đặt phong tỏa tại thủ đô Manila]

Ông Faingold nhấn mạnh “hình thức học từ xa không thể thay thế việc học trực tiếp,” đặc biệt là đối với Philippnes vốn đã phải đối mặt với “một cuộc khủng hoảng học tập" từ trước khi COVID-19 bùng phát.

Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), kỹ năng đọc, toán học và khoa học của thanh thiếu niên độ tuổi 15 tại Philippines ở mức kém hoặc gần kém.

Hầu hết học sinh học ở các trường công lập, nơi các lớp học có sỹ số lớn, phương pháp giảng dạy lạc hậu, thiếu đầu tư về cơ sở hạ tầng cơ bản. Ngoài ra, việc học từ xa cũng được cho là ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và sự phát triển của trẻ em.

Bà Rhodora Concepcion thuôc Hiệp hội Tâm thần học trẻ em và vị thành niên Philippines cho biết: "Sự cô lập xã hội lâu dài có liên quan mật thiết đến tâm sinh lý của trẻ em. Sự gián đoạn học trực tiếp và giao tiếp xã hội có thể dẫn đến sự thụt lùi trong các kỹ năng của trẻ."

Bà Petronilo Pacayra, một bà mẹ đơn thân 64 tuổi, bày tỏ lo lắng cho hai con trai 9 tuổi và 10 tuổi của mình, khi các em phụ thuộc vào các trang bài tập do nhà trường cung cấp.

Bà cho biết: "Kỹ năng đọc của chúng thực sự kém đi."

Trong căn phòng chật chội và thiếu ánh sáng, hằng ngày bà giúp các con làm bài tập ở trường trong khi tranh thủ làm những công việc lặt vặt để kiếm sống. Mặc dù vậy, con trai út của bà tỏ ra thích chơi trên điện thoại di động hơn là tập trung vào bài học.

Bà Josefina Almarez, hiệu trưởng trường học của hai con trai bà Pacayra – khẳng định "không có học sinh nào bị bỏ lại phía sau” trong mô hình học trực tuyến, song cũng thừa nhận "cần đặc biệt chú ý một số nhu cầu."

Trong khi đó, ông Faingold cho rằng trẻ càng nhỏ tuổi càng chịu tác động nhiều của việc trường học bị đóng cửa vì những năm đầu đi học là "thời điểm nền tảng" của tri thức sau này.

Ông nhấn mạnh: "Nếu các em không có một nền tảng vững chắc về toán, đọc và viết, thì sẽ rất khó để có thể theo học các môn khác thuộc chương trình tiểu học.”

Ông Faingold cho biết "kịch bản lạc quan" là các trường học ở Philippines sẽ mở cửa trở lại trong năm sau, tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào mức độ bao phủ vaccine ở nước này.

Hiện, Philippines mới chỉ có khoảng 20% dân số được tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, trẻ em chưa được đưa vào diện tiêm vaccine phòng căn bệnh này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục