Vé đi tuổi thơ

Phim “Wreck-it Ralph": Cho xin một vé đi tuổi thơ

“Wreck-it Ralph” (Ráp-Phờ đập phá) có thể thu hút mọi đối tượng khán giả với những bài học đầy ý nghĩa mà không hề mang tính giáo điều.
Khi mà công nghệ được phát triển từng ngày, thế giới trò chơi cũng từ đó có những bước tiến dài về đồ họa, cách chơi mà những đứa trẻ thập niên 80, 90 có mơ cũng không tưởng tượng nổi. Song chính những trò chơi điện tử bốn nút với đồ họa 8-bit lạc hậu ấy lại vẫn nằm trong tâm trí của nhiều người như một kỉ niệm không thể quên thời ấu thơ. Và khi bộ phim hoạt hình “Wreck-it Ralph” (Ráp-Phờ đập phá) của hãng Disney ra mắt, những cô, cậu bé ngày nào giờ đã trưởng thành như nhận được một chiếc vé đi tuổi thơ – tới thế giới game rực rỡ sắc màu, có trí tưởng tượng vô hạn và ẩn chứa không ít bài học. Nhân vật Ralph (John C. Reilly lồng tiếng) cũng chính là tâm điểm của bộ phim hoạt hình đặc sắc này. Ralph là một anh chàng to lớn, cục mịch với sở trường là ... đập phá, sống trong trò chơi “Fix-it Felix,” nơi Ralph là kẻ xấu xa còn thợ mộc Felix (Jack McBrayer) là người hùng. Sau 30 năm liền sống dưới cái bóng của Felix và sự kì thị của những người dân trong trò chơi, Ralph đã quyết tâm thử một lần ngưng làm người xấu và kiếm một chiếc huy chương để trở thành người hùng. Chàng Ralph vụng về với trái tim nhân hậu quyết định rời bỏ “Fix-it Felix” và tới những trò chơi khác trong thế giới game, nơi anh làm quen được nữ trung úy dữ dằn Calhoun (Jane Lynch) từ trò “Hero’s Duty” và cô bé tinh nghịch Vanellope von Schweetz của trò chơi “Sugar Rush” (Đường đua ngọt ngào). Nhóc Vanellope là một nhân vật bị lập trình lỗi và bị những cư dân khác trong vương quốc dưới sự trị vì của Vua kẹo xa lánh. Niềm hi vọng duy nhất của cô bé là chiến thắng cuộc đua để trở lại thành bình thường, và Vanellope cùng Ralph đã trở thành những người bạn đầu tiên của nhau. Song hành trình của đôi bạn này vẫn gặp rắc rối từ một con bọ nguy hiểm, đe dọa tới sự tồn vong của cả thế giới game. Có một điều mà “Wreck-it Ralph” khiến người xem liên tưởng tới loạt phim kinh điển “Toy Story,” đó là các nhà làm phim đã thổi hồn cho những nhân vật trò chơi tưởng như được lập trình sẵn, khiến chúng có những cảm xúc vui, buồn, biết tự ái như người thật. Xem phim, những khán giả từng có một thời say mê các trò chơi điện tử bốn nút sẽ được bắt gặp những nhân vật game quen thuộc như Pac-Man, Sonic, Ryu-Ken... trong hình hài 3D đầy mượt mà, rực rỡ song vẫn giữ được những nét đặc trưng riêng. Phần đồ họa của “Wreck-it Ralph” là một điểm cộng của phim, với màu sắc cực kì rực rỡ và tạo hình chi tiết, đủ sức hút hồn bất cứ khán giả nào. Những âm thanh đặc trưng của từng trò chơi, rồi cả những ca khúc hiện đại được chèn vào đúng thời điểm... càng làm bộ phim thêm hấp dẫn khán giả. Song ưu điểm tuyệt vời nhất là “Wreck-it Ralph” đem lại chính là nó có thể thu hút mọi đối tượng khán giả với những bài học đầy ý nghĩa mà không hề mang tính giáo điều.
"Tôi không phải người tốt và điều đó không phải là xấu"
Trong phim, Ralph và cô bé Vanellope đều là những con người bị cộng đồng xa lánh, song không phải do họ muốn vậy mà là do những nhà lập trình đã tạo ra họ như vậy. Để rồi khi bước ra khỏi thế giới trò chơi bị lập trình sẵn, Ralph đã phát hiện ra nhiều bài học mới, và rút ra rằng việc làm người hùng hay kẻ xấu trong trò chơi không phải thứ quan trọng nhất mà là liệu bạn sẽ đóng góp được gì cho thế giới xung quanh.
Phim “Wreck-it Ralph": Cho xin một vé đi tuổi thơ ảnh 1
Wreck-It Ralph là một cánh cửa đi tới thế giới tuổi thơ (Nguồn: Disney)
Có một câu thoại của Ralph chắc chắn sẽ đọng lại trong tâm trí của khán giả sau khi xem phim: “Tôi là người xấu và điều đó là tốt. Tôi không phải người tốt và điều đó không phải là xấu.” Sự đa dạng về đối tượng người xem của “Wreck-it Ralph” là điều dễ hiểu bởi bộ phim hội tụ đủ những yếu tố như đồ họa đẹp mắt, cốt truyện hấp dẫn và hài hước. Những khán giả nhí có thể cười thoải mái với những rắc rối do Ralph cục mịch gây ra và say mê theo dõi cuộc phiêu lưu kì thú của anh, trong khi những khán giả trưởng thành cũng có thể tận hưởng những thông điệp thú vị bộ phim gửi gắm cũng như sống lại thời ấu thơ. Ngoài ra, ngay trước bộ phim, Disney còn chiêu đãi khán giả với phim ngắn “Paperman” vô cùng lãng mạn. Với sự xuất sắc như vậy, không ngạc như khi “Wreck-it Ralph” là bộ phim do Disney làm có doanh thu tuần mở màn cao nhất lịch sử với 49,1 triệu USD và được coi như ứng cử viên sáng giá cho Oscar hoạt hình 2013. Tại Việt Nam, bộ phim được trình chiếu dưới các định dạng 3D, 2D, digital và cả các bản lồng tiếng (do Ngọc Diệp và Hoàng Mập đảm nhiệm). Dù là phiên bản nào thì “Wreck-it Ralph” vẫn là một tác phẩm đáng xem dành cho tất cả mọi lứa tuổi, dù bạn từng mê đắm hay chưa bao giờ thử chơi những trò điện tử bốn nút./.
Trailer của “Wreck-it Ralph”
:

Tin cùng chuyên mục