Phó Đại sứ Nhật Bản: Việt Nam cần củng cố vững chắc công nghiệp hỗ trợ

Theo Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Watanabe Shige, trong những năm qua, Việt Nam ngày càng nâng cao vị thế trong ngành công nghiệp sản xuất chế tạo.
Phó Đại sứ Nhật Bản: Việt Nam cần củng cố vững chắc công nghiệp hỗ trợ ảnh 1Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cùng các đại biểu tham quan gian hàng tại Triển lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam-Nhật Bản. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam-Nhật Bản là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư hết sức quan trọng, góp phần khai phá tiềm năng hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Tại triển lãm, các doanh nghiệp còn mang đến những cơ hội thiết thực để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tiếp cận, học hỏi những xu thế mới của thị trường, thành tựu đổi mới về kỹ thuật, công nghệ, gặp gỡ trực tiếp các đối tác tiềm năng đến từ Nhật Bản và quốc tế, đóng góp quan trọng cho bước chuyển mình mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Thông tin trên được đưa ra tại Lễ khai mạc “Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam-Nhật Bản” (SIE) lần thứ 10 và “Triển lãm công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam” (VME) lần thứ 14 do Công ty RX Tradex Việt Nam cùng Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) Văn phòng Đại diện tại Hà Nội và Cục xúc tiến Thương mại (VIETRADE) tổ chức sáng 9/8, tại Hà Nội.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Theo Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Watanabe Shige, trong những năm qua, Việt Nam ngày càng nâng cao vị thế trong ngành công nghiệp sản xuất chế tạo. Thế mạnh của của Việt Nam trong ngành sản xuất là mảng dệt may.

Tuy nhiên, gần đây trong quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ, Việt Nam trở thành một cơ sở sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao như sản xuất ôtô.

[Phát triển công nghiệp: Cần những 'đầu tàu' dẫn dắt tăng trưởng]

Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang tập trung quan tâm tới Việt Nam, mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng của mình. Đó là kết quả của sự phát triển ngành công nghiệp tại Việt Nam, của nguồn nhân lực chăm chỉ cần cù và ưu tú và cũng là nỗ lực to lớn của các cơ quan Chính phủ Việt Nam trong việc nâng cao môi trường đầu tư kinh doanh, như đã được nêu trong những cuộc họp sáng kiến chung Việt Nam Nhật Bản trong 20 năm qua.

Để trả lời cho câu hỏi “hiện tại Việt Nam đang cần điều gì?” theo Phó Đại sứ Nhật Bản, câu trả lời là củng cố vững chắc ngành công nghiệp hỗ trợ.

“Nếu như tại Việt Nam việc cung cấp nguyên liệu, linh phụ kiện được ổn định sẽ tăng cường linh hoạt nguồn cung ứng, giảm chi phí, nâng cao năng lực ngành công nghiệp hỗ trợ. Điều đó sẽ góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất chế tạo trong nước ngày càng phát triển,” ông Watanabe Shige nói và khẳng định, Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản sẽ hỗ trợ hết sức cho ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Phó Đại sứ Nhật Bản: Việt Nam cần củng cố vững chắc công nghiệp hỗ trợ ảnh 2Triển lãm thu hút hơn 200 đơn vị triển lãm là các nhà sản xuất, phân phối kinh doanh, các hãng chế tạo công nghệ và máy móc tiên tiến đến từ 20 quốc gia. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trên thực tế, tăng trưởng GDP hiện nay đang phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, trong khi xuất khẩu lại phụ thuộc lớn từ các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giúp nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu nền kinh tế.

Với tầm quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ Việt Nam đang tích cực triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025. Qua đó, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng hiện đại; nâng cao chất lượng sản phẩm, độ tin cậy và từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành sản xuất quan trọng như ô tô, dệt may, da giày, điện tử.

Nhấn mạnh về Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam-Nhật Bản, theo ông Hải, trải qua 10 kỳ Triển lãm, hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam đã có cơ hội giới thiệu sản phẩm của mình đến các doanh nghiệp Nhật Bản, đồng thời cũng có hàng nghìn doanh nghiệp Nhật Bản tìm được đối tác là các nhà sản xuất Việt Nam, hàng chục nghìn lượt khách là các công ty Việt Nam và công ty nước ngoài tham quan, tìm hiểu và học hỏi lẫn nhau.

“Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần nâng tổng kim ngạch thương mại hai chiều hai nước tăng trưởng trong những năm qua và những dự án đầu tư của Nhật Bản vẫn tiếp tục tìm đến thị trường Việt Nam,” ông Hải nói.

Kết nối chuỗi giá trị

Năm 2023 đánh dấu giai đoạn nhiều biến đổi của nền kinh tế với sự xuất hiện của các xu hướng như sản xuất xanh, Trí tuệ nhân tạo, phát triển công nghiệp bền vững và chính sách tiền tệ từ các nước phát triển và áp lực tăng trưởng sau đại dịch đã thúc đẩy tiến trình tăng cường hoạt động kinh doanh và tối ưu hóa nguồn lực của các doanh nghiệp quốc tế và địa phương trên toàn cầu.

Bên cạnh những thách thức từ bất ổn kinh tế thế giới như các chính sách tỷ giá linh hoạt, điều tiết và giám sát chặt chẽ hệ thống tài chính thì xu hướng chuyển đổi thị trường sản xuất từ một số quốc gia sang Việt Nam cũng hứa hẹn sẽ góp phần tạo ra những cơ hội đầu tư và hợp tác cho các công ty trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ nắm bắt cơ hội giao thương.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển nâng cao năng lực cạnh tranh, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 6/8/2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách mới kỳ vọng sẽ tạo nên cú hích lớn cho công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo.

Đặc biệt, thông qua Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam, Bộ Công Thương mong JETRO sẽ tiếp tục hợp tác, cùng với với Cục Xúc tiến thương mại tạo thêm nhiều sự kiện, cơ hội kết nối kinh doanh, chuyển giao kỹ thuật giữa các doanh nghiệp công nghiêp hỗ trợ của hai nước Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian tới.

Phó Đại sứ Nhật Bản: Việt Nam cần củng cố vững chắc công nghiệp hỗ trợ ảnh 3Triển lãm cũng sẽ là điểm kết nối của ngành công nghiệp. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trong khi đó, ông Yip Je Choong, Phó Chủ tịch cấp cao, Khối Thương mại-Khu vực Asia Pacific, Ban lãnh đạo Tập đoàn RELX (Singapore), đại diện RX Tradex Vietnam chia sẻ, Việt Nam đang được xem là điểm đến hàng đầu đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất để đáp ứng nhu cầu gia tăng nhanh chóng cho cả xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Do đó, Triển lãm là một trong những kênh xúc tiến thương mại quan trọng và hữu ích cho các đơn vị sản xuất kinh doanh, người mua và người bán quốc tế và trong nước gặp gỡ và tạo ra cơ hội hợp tác, đồng thời giúp nâng cao năng lực và cạnh tranh của Việt Nam.

“VME 2023 sẽ tạo cơ hội kinh doanh cho cả các thương hiệu toàn cầu và các doanh nghiệp vừa và nhỏ để kết nối với các công ty đa quốc gia thông qua các hoạt động kết nối và hỗ trợ trong suốt thời gian diễn ra triển lãm,” ông Yip Je Choong nhấn mạnh.

“Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam-Nhật Bản” (Supporting Industries Exhibition - SIE)” lần thứ 10 tại Hà Nội và "Triển lãm quốc tế về Công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam (Vietnam Manufacturing Expo - VME 2023)” lần thứ 14 diễn ra từ ngày 9/8-11/8 tại Trung tâm Triển lãm I.C.E số 91 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Với sự góp mặt của hơn 200 đơn vị triển lãm là các nhà sản xuất, phân phối kinh doanh, các hãng chế tạo công nghệ và máy móc tiên tiến đến từ 20 quốc gia, nhiều hoạt động sẽ được tổ chức xuyên suốt 3 ngày triển lãm để hỗ trợ các doanh nghiệp và khách tham quan trong công tác kết nối cùng các đại lý, nhà phân phối và đối tác kinh doanh.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục