Phó Thủ tướng đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội

Đường sắt cao tốc Hà Nội-TP.HCM, quy hoạch chung Hà Nội, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là những vấn đề mà Phó Thủ tướng giải trình.
Sáng 12/6, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã đăng đàn giải trình một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đang quan tâm.

Các vấn đề được giải trình gồm việc thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; về quan hệ giữa phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội; quản lý, bảo vệ, khai thác tài nguyên, khoáng sản, môi trường; Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh; đồ án quy hoạch chung thủ đô Hà Nội; chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Phó Thủ tướng cho biết, tại kỳ họp, Chính phủ đã nhận được hơn 190 chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Các thành viên liên quan của Chính phủ đã nghiêm túc nghiên cứu và trả lời (bằng văn bản và trực tiếp) chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Khắc phục khai thác khoáng sản tràn lan

Nhiều đại biểu Quốc hội quan ngại về hiện trạng quản lý, bảo vệ, khai thác tài nguyên khoáng sản, môi trường; thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém của các cơ quan quản lý, tình trạng lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả trong khai thác tài nguyên, khoáng sản và tình trạng vi phạm khá phổ biến Luật Bảo vệ môi trường.

Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ nhận thức rõ trách nhiệm của mình, đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để từng bước xử lý hiện trạng này. Thể chế, chính sách về bảo vệ môi trường, quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên tiếp tục được hoàn chỉnh, quán triệt đầy đủ hơn yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội đi liền với việc bảo vệ, cải thiện môi trường, phát triển bền vững.

Các hoạt động phòng ngừa, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được tăng cường; việc kiềm chế tốc độ gia tăng ô nhiễm, phục hồi và cả thiện môi trường ở một số vùng, lưu vực sông, khu công nghiệp, khu vực khai thác mỏ, làng nghề, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng được đẩy mạnh và đã mang lại một số kết quả bước đầu.

Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch khai thác, chế biến khoáng sản, nhất là những khoáng sản có tiềm năng quy mô lớn nhằm khắc phục tình trạng đầu tư khai thác tràn lan, chế biến và xuất khẩu khoáng sản thô, lãng phí tài nguyên, vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường sinh thái và an ninh quốc phòng.

Phó Thủ tướng cho biết, kết quả kiểm tra việc cấp phép khai thác khoáng sản của các địa phương gần đây cho thấy phần lớn giấy phép do các địa phương cấp được ban hành đúng quy định của pháp luật, nhưng điều đáng quan tâm là có không ít địa phương cấp phép khai thác các khu vực ngoài quy hoạch và cấp phép khai thác nhiều nhưng không đủ khả năng hoặc buông lỏng công tác quản lý dẫn đến tình trạng phổ biến là yêu cầu về bảo vệ môi trường không được thực hiện, thậm chí còn hủy hoại môi trường, gây lãng phí tài nguyên, thất thoát ngân sách, mất trật tự xã hội và nhiều bức xúc trong nhân dân.

Phó Thủ tướng nêu rõ, tại kỳ họp này, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi), trong đó thể hiện các chủ trương, giải pháp khắc phục những bất cập của luật hiện hành nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác khoáng sản.

Luật mới xác định rõ chỉ phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấp phép thăm dò, khai thác đối với các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố đồng thời đề cao trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện của cấp trên đối với cấp dưới, của cơ quan nhà nước với các tổ chức thăm dò, khai thác.

Việc phân cấp mạnh cho địa phương trong công tác quản lý đất đai đã tạo điều kiện đẩy nhanh công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư; chuẩn bị tốt mặt bằng để thu hút các dự án đầu tư.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng đã xuất hiện những mặt tiêu cực như: Một số địa phương cấp phép thiếu quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, sân golf…; cá biệt một số địa phương cho nước ngoài thuê đất với diện tích lớn tại một số khu vực nhạy cảm như rừng đặc dụng, rừng phòng hộ mà dư luận xã hội và các đại biểu Quốc hội đã đề cập.

Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các địa phương, đặc biệt là chỉ đạo phối hợp, lồng ghép quy hoạch ngành với quy hoạch vùng, địa phương và yêu cầu lãnh đạo các địa phương đề cao hơn nữa trách nhiệm quản lý của mình.

Tăng cường giám sát Dự án đường sắt cao tốc

Phó Thủ tướng cũng cho biết, việc nghiên cứu xây dựng đường sắt cao tốc được Chính phủ đặt ra từ các nhiệm kỳ trước và đã được đưa vào Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt nước ta từ năm 2002.

Đây là một dự án giao thông có quy mô lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam, được chuẩn bị công phu và có thời gian triển khai, thực hiện dài, khoảng 30 năm, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và trình xin ý kiến của Quốc hội.

Phó Thủ tướng nêu rõ, những năm gần đây, hạ tầng giao thông Việt Nam ngày càng quá tải, cản trở nghiêm trọng sự phát triển kinh tế-xã hội, gây nhiều bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Việc hình thành một hệ thống giao thông vận tải nói chung cũng như hệ thống vận tải đường sắt hoàn chỉnh phải mất nhiều năm.

Để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống giao thông, tránh lãng phí trong quá trình đầu tư xây dựng và vận hành, cần có quy hoạch và tầm nhìn dài hạn; vừa phải phát triển tuần tự từ thấp đến cao, vừa phải “đi tắt đón đầu”, nhằm tạo bước đột phá, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vận tải cho nền kinh tế.

Dự án đường sắt cao tốc được xây dựng chính là nhằm đáp ứng yêu cầu đó, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải với tầm nhìn dài hạn, được hoàn thành đưa vào sử dụng khi đất nước ta đã bước vào giai đoạn của nước phát triển.

Qua thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội đã đồng tình với chủ trương, tầm nhìn của dự án. Xuất phát từ điều kiện địa lý của nước ta dài, hẹp, dân cư phân bố dọc theo chiều dài đất nước, và tập trung hơn ở các khu vực phát triển của miền Bắc, miền Trung, miền Nam; vì vậy hệ thống đường sắt cũng phải xây dựng theo chiều dài đất nước để đáp ứng yêu cầu đi lại. Khi hoàn thành, đường sắt cao tốc vừa đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần giảm tải và hạn chế tai nạn giao thông đường bộ, vừa cung cấp thêm cho hành khách một sự lựa chọn mới an toàn, tiện nghi và thân thiện với môi trường.

Đi đôi với xây dựng đường sắt cao tốc, sẽ tiếp tục nâng cấp, phát triển đồng bộ và liên thông hệ thống đường không, đường thủy, đường bộ và đường sắt hiện có để đảm bảo nhu cầu vận chuyển hàng hoá và hành khách đang tăng lên rất nhanh.

Từ cách đặt vấn đề như vậy, tại kỳ họp này Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư, Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện hoàn chỉnh dự án theo các góp ý của Quốc hội và tiến hành các bước tiếp theo đúng các quy định của pháp luật về công trình quan trọng quốc gia.

Trong quá trình thực hiện, dự án sẽ được chia làm nhiều giai đoạn, có sự phân kỳ đầu tư bằng các dự án thành phần, phù hợp với khả năng huy động vốn; dự án thành phần nào xong sẽ đưa vào khai khác ngay và rút kinh nghiệm để tiếp tục chuẩn bị, đầu tư dự án mới.

Tiếp thu ý kiến quy hoạch chung Hà Nội

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan, Chính phủ đã tổ chức lập Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Trong quá trình triển khai, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, tiến hành thận trọng từng bước theo đúng trình tự pháp luật và với tinh thần công khai, dân chủ, cầu thị. Bản đồ án quy hoạch đã được báo cáo xin ý kiến Thành uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, xin ý kiến đóng góp của nhân dân, của các nhà khoa học, các chuyên gia và trình xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp này.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, trong phiên thảo luận chung tại hội trường ngày 15 tháng 6 tới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo bổ sung với Quốc hội kết quả tiếp thu ý kiến của nhân dân và ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Chính phủ trân trọng cảm ơn Quốc hội quan tâm, dành thời gian thảo luận, cho ý kiến về Đồ án quy hoạch chung thủ đô Hà Nội. Chính phủ sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Quốc hội để hoàn chỉnh Đồ án, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến trước khi phê duyệt.

Đồng bộ các giải pháp

Phó Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ ý thức được trách nhiệm của mình trong việc không hoàn thành một số chỉ tiêu kế hoạch, trong đó chủ yếu lại là các chỉ tiêu về xã hội và môi trường; một số vấn đề xã hội bức xúc chậm được xử lý; chưa dành thời gian và công sức thoả đáng cho các vấn đề cơ bản, dài hạn có tính chiến lược; công tác xây dựng thể chế và chính sách còn triển khai chậm; sự phối hợp và lồng ghép giữa các chính sách, biện pháp, giữa các ngành, các cấp, các lĩnh vực chưa được nhuần nhuyễn; các công việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn chậm và kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững...

Thời gian vừa qua, nhất là từ năm 2008 đến nay, tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến bất thường, tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam, những hạn chế, yếu kém nội tại của nền kinh tế chưa được khắc phục, kinh nghiệm hội nhập kinh tế thế giới còn ít là những thách thức không nhỏ đối với năng lực và hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngay sau kỳ họp này của Quốc hội, các bộ, các cơ quan của Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp cần có chương trình, kế hoạch thực hiện khẩn trương và triệt để các vấn đề mà Quốc hội đã đặt ra.

Chính phủ sẽ tập trung điều hành tạo sự thống nhất từ trên xuống dưới, phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, phát huy tính năng động sáng tạo của nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp, thực hiện quyết liệt các giải pháp đã đề ra từ đầu năm cũng như những giải pháp đã được Quốc hội thảo luận và thông qua tại kỳ họp này nhằm hoàn thành tốt nhất kế hoạch năm 2010.

Chính phủ đề nghị Quốc hội và Hội đồng nhân dân dành nhiều thời gian thực hiện các cuộc giám sát chung cũng như giám sát chuyên đề để góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước.

Cũng theo Phó Thủ tướng bên cạnh việc tập trung xử lý các vấn đề bức xúc về kinh tế-xã hội, Chính phủ sẽ đầu tư thích đáng cho việc tổng kết, đánh giá thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đến năm 2010 và xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển cho thời gian tới gắn liền với việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục