Nhằm đảm bảo nguồn cung thịt thương phẩm chất lượng cho người tiêu dùng, cung ứng thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sắp tới, tạo đà phát triển chăn nuôi hiệu quả năm 2025, tỉnh Kiên Giang đang thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để chăn nuôi an toàn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm và những bệnh khác trên đàn gia súc, gia cầm. Đồng thời, tăng cường giám sát giết mổ, kiểm dịch, vận chuyển động vật và thực hiện kế hoạch tiêm phòng vaccine, nhất là duy trì tiêm phòng trên lợn và bệnh cúm trên gia cầm năm 2024.
Trong tháng 9/2024, tỉnh ghi nhận bệnh dịch tả lợn châu Phi và tiêu hủy 127 con, với tổng khối lượng 6.245kg, trên địa bàn 4 xã, thị trấn thuộc 3 huyện Hòn Đất, Châu Thành và U Minh Thượng.
Hiện tại, thời tiết đang mùa mưa bão gây giảm sức đề kháng của vật nuôi, đồng thời có thể phát tán mầm bệnh ra diện rộng. Bên cạnh đó, điều kiện an toàn sinh học tại các hộ chăn nuôi nhỏ còn nhiều hạn chế, dễ bị mầm bệnh xâm nhập nên nguy cơ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục xảy ra và bùng phát trong thời gian tới là rất cao.
Tỉnh Kiên Giang tập trung xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới, tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh và thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật.
Tiếp đến, cơ quan chức năng, đơn vị liên quan và các địa phương kịp thời phát hiện, ngăn chặn, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển động vật bệnh, vứt xác động vật chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường; tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn vật nuôi, bảo đảm đạt yêu cầu tối thiểu, nhất là các bệnh cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh...
Mặt khác, cơ quan chuyên môn phối hợp các địa phương trong tỉnh hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho đàn vật nuôi, xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và hiệu quả theo đề án phát triển chăn nuôi bền vững của tỉnh.
Các địa phương kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật, ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, nhất là khu vực vùng biên giới, biển đảo trên địa bàn..
Cùng đó, tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi chủ động xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát hiện, không giấu dịch; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về nguy cơ xảy ra dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
“Ngành chức năng tập trung giám sát chặt chẽ tình hình vật nuôi, dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm ổ dịch mới phát sinh, nhanh chóng bao vây, dập tắt không để lây lan. Tổ Thú y cơ sở bám sát địa bàn, giám sát, kiểm soát chặt chẽ trang trại, hộ chăn nuôi kết hợp tuyên truyền, vận động người chăn nuôi nâng cao hơn nữa ý thức phòng, chống dịch bệnh, thông báo khi vật nuôi bị bệnh với cơ quan thú y để xử lý, không mổ thịt động vật bệnh bán ngoài cộng đồng gây lây lan dịch bệnh," ông Toàn nhấn mạnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, tỉnh hiện có đàn trâu khoảng 3.825 con, đạt 86,15% kế hoạch và bằng 84,47% so cùng kỳ; đàn bò khoảng 9.565 con, đạt 78,4% kế hoạch và bằng 94,47% so cùng kỳ.
Nguyên nhân do vùng chăn thả khan hiếm cỏ nên tái đàn chưa cao. Tiếp đến, đàn lợn của tỉnh hiện có khoảng 265.895 con, đạt 68,41% kế hoạch và tăng 22,61% so cùng kỳ; đàn gia cầm hơn 5,8 triệu con, tăng trên 13% so cùng kỳ năm trước.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang nhận định tình hình chăn nuôi của tỉnh ổn định. Nguyên nhân đàn lợn, đàn gia cầm tăng so cùng kỳ do tình hình dịch bệnh được kiểm soát, giá lợn hơi và gia cầm tăng, khá ổn định nên người dân tái đàn. Mặt khác, tận dụng mùa lũ, nguồn thức ăn dồi dào nên đàn vịt chạy đồng gia tăng.
Tuy nhiên, chăn nuôi trang trại ở tỉnh chưa mở rộng, việc thành lập mới các trang trại còn gặp nhiều khó khăn và một trong những khó khăn đó là vị trí đất nhà đầu tư dự kiến xây dựng trang trại nằm ngoài vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung của địa phương.
Dự báo từ nay đến cuối năm 2024 và đầu năm 2025, nhu cầu tiêu thụ thịt thương phẩm gia súc, gia cầm trên thị trường khá lớn, nhất là vào dịp lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch đón năm mới 2025 và Tết cổ truyền của dân tộc.
Vì vậy, việc phòng chống dịch bệnh gây hại, phát triển an toàn, bền vững, hiệu quả đàn lợn, trâu, bò, gà, vịt và những động vật nuôi khác, vừa đảm bảo cung cấp cho thị trường, nhu cầu tiêu dùng của người dân, vừa góp phần cho người chăn nuôi tăng thêm nguồn thu nhập, tạo đà phát triển chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững năm 2025./
Giá tăng, người nuôi lươn ở Kiên Giang cân nhắc đầu tư
Nhiều người nuôi lươn ở Kiên Giang cho biết giá lươn duy trì ở mức cao có thể đảm bảo người nuôi có lãi nhưng vẫn cân nhắc trong việc đầu tư thả nuôi nhằm tránh tình trạng cung vượt cầu.