Số liệu thống kê mới nhất của cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau cho thấy, Cà Mau vẫn còn tình trạng mất kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) ngoài khơi và trong bờ. Nguyên nhân do đâu?
Thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện
Nếu lấy mốc từ ngày 20/5/2024 đến 25/9/2024, tỉnh có 449 lượt tàu cá từ 15 mét đến dưới 24 mét mất kết nối ngoài khơi từ 6 giờ đến dưới 10 ngày; trong đó, tàu cá từ 15 mét đến dưới 24 mét mất kết nối từ 10 ngày trở lên là 24 tàu..., và mất kết nối thiết bị VMS trong bờ có 88 tàu.
Còn từ đầu năm 2024 đến 15/10, tình trạng tàu cá của tỉnh Cà Mau vi phạm vùng biển nước ngoài giảm rất nhiều so với những năm trước đây, song vẫn còn xảy ra một số vụ việc.
Cơ quan chức năng tiếp nhận thông tin 13 tàu cá và ngư dân liên quan đến tỉnh Cà Mau khai thác thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Vụ việc đang được lực lượng chức năng của tỉnh tiến hành điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, qua xác minh cho thấy tỉnh có 03 tàu cá khai thác thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài, 01 tàu cá sử dụng số đăng ký giả, 04 tàu cá chưa xác định được thông tin cụ thể đang được xác minh, truy tìm.
Còn lại 05 tàu cá (có 01 tàu không số) được xác định là của tỉnh Kiên Giang, lực lượng chức năng tỉnh đã phối hợp xác minh và chuyển hồ sơ vụ việc có liên quan đến tỉnh Kiên Giang để xác minh, xử lý theo thẩm quyền.
Đại tá Lê Đình Sơn, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau cho biết tình trạng tàu cá bị mất kết nối, tháo gửi thiết bị VMS vẫn còn xảy ra với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện.
Khi bị nước ngoài bắt giữ tàu cá thì chủ tàu, thuyền trưởng cố tình che giấu, không hợp tác, khai báo gian dối hoặc đang bị giam giữ tại nước ngoài, không liên lạc được và tàu cá cũng bị tịch thu nên chưa thể làm việc được với chủ thể vi phạm để tiến hành các bước xử lý theo quy định.
Đáng quan tâm, việc sang bán tàu cá không sang tên theo quy định, làm giả hồ sơ chứng thực mua bán, nhất là sang bán ra ngoài tỉnh khó khăn trong quản lý, điều tra xác minh khi tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. Chưa kể các vụ việc móc nối, môi giới đưa người, tàu cá sang đánh bắt trái phép trên vùng biển nước ngoài.
Bộ đội Biên phòng tỉnh thông tin hoạt động này ngày càng tinh vi và tổ chức chặt chẽ với phương thức, thủ đoạn đưa công dân Việt Nam đang cư trú hợp pháp và bất hợp pháp tại Thái Lan, Malaysia, Campuchia đã cấu kết với một số đối tượng trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh với một số tỉnh tiếp giáp hình thành các đường dây chuyên môi giới đưa người, tàu cá sang vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái phép.
Tuyên truyền kết hợp răn đe, giáo dục
Thời điểm tháng 10/2023 đến ngày 25/9/2024, cơ quan chức năng tỉnh phát hiện 42 vụ, 43 tàu cá liên quan đến vi phạm tháo thiết bị, không duy trì, vô hiệu hóa giám sát hành trình; đã xử phạt hành chính 30 vụ, 30 tàu cá; 1 vụ, 2 tàu cá (CM 91955 TS và KG 90819 TS) đã khởi tố vụ án hình sự ''Cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử'' theo khoản 1 Điều 287 Bộ luật Hình sự.
Còn lại 11 vụ, 11 tàu cá hầu hết là các vụ việc có dấu hiệu phức tạp, vì vậy, cơ quan chuyên môn đang tiếp tục điều tra, xác minh để hoàn thiện hồ sơ xử lý theo quy định.''Vì lợi ích kinh tế trước mắt đã khiến một số chủ tàu cá hết hạn đăng ký, đăng kiểm trốn tránh trên biển, các đảo không vào bờ để xảy ra vi phạm vùng biển nước ngoài, khai thác hải sản trái phép, gây khó khăn trong quản lý tàu cá, ảnh hưởng đến kết quả chống khai thác IUU của tỉnh,'' Đại tá Lê Đình Sơn - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau chia sẻ; đồng thời, cho biết Bộ đội Biên phòng tỉnh luôn thể hiện quyết tâm và trách nhiệm cao, có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo và triển khai quyết liệt các biện pháp đấu tranh chống khai thác IUU, nhằm góp phần thúc đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ cảnh báo ''Thẻ vàng'' của Ủy ban châu Âu (EC).
Trước thực trạng nêu trên, cơ quan chức năng tỉnh chú trọng tuyên truyền kết hợp với xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật nhằm giáo dục , răn đe. Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương khu vực biên giới biển trong tỉnh thường xuyên đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật để giúp ngư dân nắm bắt, thông hiểu đầy đủ những quy định cơ bản của pháp luật về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Nổi bật là triển khai có hiệu quả các kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; trong đó, phải kể đến việc xác lập và tổ chức đấu tranh Chuyên án ''CM 324'' triệt xóa đường dây tổ chức môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép; kết quả đã bắt 3 đối tượng, khởi tố vụ án hình sự, hoàn chỉnh hồ sơ ban đầu bàn giao Công an tỉnh điều tra theo quy định.
Tỉnh còn tổ chức các phiên tòa lưu động để xét xử vụ án “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” đã mang hiệu quả rất lớn đối với tuyên truyền, răn đe sai phạm.
Ủy ban Nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp chống khai thác IUU, chú trọng tuyên truyền cho ngư dân, mà quan trọng là chủ tàu, thuyền trưởng các nhóm tàu có nguy cơ cao để nắm lấy nội dung, vấn đề, mức độ ảnh hưởng của khai thác IUU, cảnh báo ''Thẻ vàng'' của Ủy ban châu Âu (EC).
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng cho hay các lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng trong kiểm tra, giám sát, cảnh báo, nhắc nhở trên hệ thống giám sát hành trình, góp phần hạn chế các hành vi vi phạm IUU.
Qua đó, tỉnh khắc phục nhiều khó khăn trong điều tra, xác minh các thông tin, tin báo vi phạm; kịp thời phân loại đối tượng, phối hợp các ngành, địa phương liên quan điều tra, xác minh, kết quả đã xử phạt hành chính, đưa ra xét xử hình sự một số vụ án phức tạp.
Cùng với đó, việc triển khai áp dụng phần mềm, số hóa hồ sơ quản lý tàu cá ở Cà Mau đã mang lại hiệu quả rất tích cực trong việc theo dõi, quản lý chặt chẽ tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU, như tàu cá hết hạn giấy phép khai thác thủy sản, đăng kiểm, mất tín hiệu kết nối thiết bị giám sát hành trình từ 10 ngày trở lên, bán tàu nhưng chưa sang tên.
Bên cạnh đó, việc lưu trữ hồ sơ trên phần mềm số hóa IUU còn tạo điều kiện rất thuận lợi trong kiểm tra của lãnh đạo các cấp, đồng thời, cũng có thể phục vụ tốt trong làm việc với thanh tra của EC khi cần thiết.
Tuy cơ quan chức năng tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong chống khai thác IUU, nhưng vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Đó là kết quả xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU còn thấp, nhất là vụ việc vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu cá vượt ranh giới và việc tàu cá mất kết nối thiết bị VMS.
Nguyên nhân do xác minh thu thập chứng cứ vi phạm trên biển còn nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian, công sức, có nhiều vụ việc chưa thu thập được chứng cứ.
Thêm nữa, việc áp dụng Bộ Luật Hình sự để xử lý đối với một số hành vi vi phạm còn gặp khó khăn; một số thuyền trưởng khẳng định đang khai thác ở vùng biển Việt Nam hoặc tại các khu vực vùng biển chồng lấn, vùng nước lịch sử có dữ liệu trên hệ thống tàu cá nhưng vẫn bị lực lượng chấp pháp nước ngoài khống chế, áp giải về vùng biển của họ để xử lý; tình trạng tự ý đóng mới, cải hoán tàu cá không thực hiện đúng theo trình tự vẫn còn xảy ra..., nên ảnh hưởng đến chống khai thác IUU của tỉnh trong thời gian qua./.
Cà Mau: Tạo trợ lực trong mục tiêu gỡ “thẻ vàng” cho ngành thủy sản Việt Nam
Cà Mau là địa phương thứ 18 mà chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” triển khai, nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng bà con ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển và phòng chống khai thác IUU.