“Phóng điểu” - thú chơi chim bồ câu độc đáo của người Kinh Bắc

Từ nhiệm vụ huấn luyện các“bưu tá triều đình” xa xưa, người dân Kinh Bắc đã phát triển việc huấn luyện chim bồ câu thành nét văn hóa hết sức độc đáo với những màn biểu diễn thu hút đông đảo người xem.
“Phóng điểu” - thú chơi chim bồ câu độc đáo của người Kinh Bắc ảnh 1 Các nghệ nhân đang vực chim. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

“Phóng điểu” hay còn gọi thú chơi nuôi thả chim bồ câu đã trở thành nét đẹp văn hóa của người dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ nói chung, vùng đất Bắc Ninh nói riêng. Đến nay, nét đẹp văn hóa ấy vẫn được giữ gìn và phát triển mạnh mẽ.

Vùng đất “mỹ tục khả phong,” "địa linh nhân kiệt" Bắc Ninh có bề dày truyền thống lịch sử, văn hiến lâu đời, có nhiều nét văn hóa đặc trưng, trong đó có thú chơi nuôi thả chim bồ câu.

Tương truyền, từ thời nhà Lý, một số làng xã được vua giao trọng trách huấn luyện chim bồ câu để làm nhiệm vụ “bưu tá triều đình,” đưa thư mật từ biên ải về kinh đô thông tin chiến sự.

Sau khi loạn lạc kết thúc, những chú chim bồ câu được người dân nghiên cứu chuyển sang nuôi huấn luyện thả đàn, phục vụ hội thi và biểu diễn nghệ thuật.

Sau mỗi mùa thu hoạch, nhiều người tập trung tại đình làng, sân kho hoặc bờ đê để tổ chức hội thi “phóng điểu.”

Trong tiết trời trong xanh, từng đàn chim lượn vòng rồi vút lên, những ánh mắt nhìn theo, vui cười, tán thưởng.

Hội thi đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân xứ Kinh Bắc, gửi gắm ước mơ về một mùa màng bội thu, đất nước an lạc, hòa bình.

Từ hội thi, người dân đã phát triển thành thú chơi nuôi thả chim bồ câu và lưu truyền cho đến ngày nay.

Ông Trần Văn Hiện, xã Bồng Lai, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, là một trong những người nổi tiếng nuôi chim bồ câu “mát tay” và giành được nhiều giải thưởng.

[Bồ câu có thể nhận thức về không gian đa chiều và thời gian]

“Phóng điểu” - thú chơi chim bồ câu độc đáo của người Kinh Bắc ảnh 2 Ông Trần Văn Hiện, xã Bồng Lai, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đang vực đàn chim bồ câu bay. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã được theo chân ông nội, theo bố quẩy đôi quang gánh mang lồng chim thi hội.

Với gần 40 năm nuôi thả chim bồ câu, ông không nhớ mình đã gặt hái bao nhiêu giải thưởng, từ giải hội làng, hội phường đến cấp tỉnh.

Hiện nay, nhà ông đang "huấn luyện" khoảng 65 con chim với 2 lồng chim chủ lực mang đi thi và biểu diễn.

Theo kinh nghiệm của ông Hiện, để có được đàn chim bồ câu đạt chuẩn, người chơi phải mất khoảng 3 tháng để huấn luyện.

“Nghề chơi cũng lắm công phu, tốn nhiều công sức. Ghép đàn là một trong những khâu quan trọng nhất để có được đàn chim đẹp. Nguồn gốc chim bố, mẹ phải nhanh nhẹn, khỏe mạnh, không dị tật, nuôi hoàn toàn bằng thóc nếp. Chim đi thi có dáng người nhỏ, ngực nở, ngươi mắt nhỏ, nách hẹp, khi cầm lên, hai cánh chiến quắp, thậm chí siết chặt vào tay người cầm mới là con chim cao kiệt, bay giỏi,” ông Hiện nói.

Ông Nguyễn Văn Hà, xã Việt Hùng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, cho biết gần 30 năm qua, ông đã từng mang lồng chim đi thi hoặc biểu diễn tại nhiều tỉnh trên cả nước như Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Dương, Nghệ An, Thái Bình, Hưng Yên… để thỏa niềm vui, đam mê với chim bồ câu.

“Để đoạt giải cao trong các hội thi, chim được huấn luyện bay xung quanh nóc nhà bằng cách dùng sào xua lên mái, dần dần xua bay xa hơn tới các tầm hạ, tầm trung hay tầm thượng.

Khi đi thi, người chơi “đổ máng” (tức thả đàn chim ra khỏi lồng), đàn chim phải bay đều “chằn chặn,” không con nào bay thấp hoặc cao so với đàn, bay “xoáy trôn ốc,” bén thượng là đạt,” ông Hà nói.

Cũng theo ông Hà, một cặp chim thường có giá bán 200.000 đồng nhưng những cặp chim đoạt giải có giá cao hơn, khoảng 3 triệu đồng/cặp, thậm chí có những đôi chim được trả tới 30 triệu đồng nhưng thường các chủ nuôi không bán.

“Chim bồ câu là loài chim đại diện cho hòa bình, có mặt ở rất nhiều quốc gia trên thế giới nhưng thú vui nuôi thả chim bồ câu chỉ có tại Việt Nam. Thế nên dù được trả giá cao nhưng rất ít khi người chơi đem bán…” ông Hà giải thích.

“Phóng điểu” - thú chơi chim bồ câu độc đáo của người Kinh Bắc ảnh 3Ông Nguyễn Văn Hà, xã Việt Hùng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đang chăm chim bồ câu bay. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Hiện nay, trên toàn tỉnh Bắc Ninh có khoảng gần 600 người tham gia nuôi thả chim bồ câu chuyên nghiệp với khoảng gần 1.000 đàn chim, tương đương 10.000 con, tập trung tại các huyện như Yên Phong, Quế Võ, Tiên Du, thành phố Bắc Ninh.

Theo ông Nguyễn Thành Sơn, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bắc Ninh, những năm gần đây, hoạt động nuôi thả chim bồ câu tỉnh Bắc Ninh rất phát triển, có tổ chức và chuyên nghiệp hơn với số người chơi lớn, nhiều đàn chim.

“Nuôi thả chim bồ câu bay không chỉ là thú chơi dân gian, tao nhã mà còn thể hiện nét đẹp văn hóa của người dân Bắc Ninh. Thời gian tới, để phát triển hoạt động này, Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục duy trì các cuộc thi thả chim bồ câu, đặc biệt là cuộc thi cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, tăng nguồn hỗ trợ kinh phí đối với người dự thi, phát triển câu lạc bộ nuôi thả chim bồ câu bay tại các địa phương, tạo sân chơi lành mạnh, văn hóa cho người chơi,” ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, từ tháng 5/2018, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức nuôi thả chim bồ câu tại các điểm công cộng trên địa bàn thành phố như Công viên Nguyễn Văn Cừ, Đài tưởng niệm các anh hùng Liệt sỹ, Tượng đài Lý Thái Tổ, Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc…

Đây là hoạt động nhằm quảng bá văn hóa nuôi thả chim bồ câu bay của người dân Kinh Bắc. Bên cạnh đó,thú chơi này cũng tạo điểm nhấn giữa lòng thành phố, hướng tới xây dựng thành phố hòa bình, xanh sạch đẹp, hiện đại, góp phần phát triển du lịch tỉnh Bắc Ninh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục