Phù điêu Quốc tổ Lạc Long Quân được công nhận là bảo vật quốc gia

Bảo vật quốc gia miêu tả cảnh Lạc Long Quân cùng văn võ bá quan xem hội đua thuyền, tái hiện sống động cảnh sinh hoạt thời đại Hùng Vương được chạm khắc tinh xảo trên nền gỗ sơn son thếp vàng.
Phù điêu Quốc tổ Lạc Long Quân được công nhận là bảo vật quốc gia ảnh 1 Lễ trao bằng công nhận bức giá tượng Lạc Long Quân là Bảo vật quốc gia. (Ảnh: Đinh Thị Thuận/TTXVN)

Ngày 12/4, Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội trang trọng tổ chức đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bức giá tượng Lạc Long Quân là bảo vật quốc gia và dâng hương đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân.

Bức giá tượng (phù điêu) chạm khắc hình tượng đức Lạc Long Quân và nhân vật thời kỳ Hùng Vương đang lưu giữ tại di tích đình Nội (đền Lạc Long Quân), thuộc thôn Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai có niên đại từ cuối thế kỷ 19-đầu thế kỷ 20.

Bức tượng được chạm khắc tinh xảo trên nền gỗ sơn son thếp vàng, miêu tả cảnh Lạc Long Quân cùng văn võ bá quan xem hội đua thuyền, tái hiện sống động cảnh sinh hoạt thời đại Hùng Vương.

Lạc Long Quân ngự trên ngai vàng, đầu đội vương miện chạm hình “lưỡng long chầu nguyệt” với khuôn mặt hiền từ, phúc hậu, mình khoác long bào, vóc dáng bệ vệ, oai phong.

Ba tầng trên cùng là biểu tượng của nhà nước sơ khai song vẫn có đủ triều thần văn quan võ tướng mang ý nghĩa về sự phát triển từ Lạc Long Quân đến thời Hùng Vương thứ nhất. Ngoài giá trị lịch sử, độc bản, nghệ thuật bức giá còn thể hiện rõ tư tưởng tín ngưỡng tôn giáo và văn hóa dân gian giúp mọi người nhớ về nguồn cội dân tộc.

Bức giá tượng được trùng tu nhiều lần song vẫn giữ nguyên các giá trị gốc.

Phù điêu Quốc tổ Lạc Long Quân được công nhận là bảo vật quốc gia ảnh 2Phù điêu Quốc tổ Lạc Long Quân

Tại lễ đón nhận, lãnh đạo huyện Thanh Oai khẳng định, việc bức giá tượng chạm khắc hình tượng đức Quốc tổ Lạc Long Quân và nhân vật về thời Hùng Vương được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia là niềm tự hào đối với huyện Thanh Oai và xã Bình Minh, đồng thời cũng đặt ra cho địa phương phải nỗ lực giữ gìn, bảo tồn di tích, phát huy các giá trị di sản của di tích một cách xứng tầm.

Cũng trong ngày 12/4, Ủy ban Nhân dân huyện Phúc Thọ tổ chức lễ hội truyền thống đền Hát Môn kỷ niệm 1976 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội truyền thống đền Hát Môn.

Lễ hội bắt đầu bằng nghi thức rước lễ làng, tế chính tiệc, rước bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, rước bánh trôi từ Ủy ban Nhân dân xã Hát Môn về đền Hát Môn.

Sau màn trống hội là hoạt cảnh “Hai Bà Trưng phất cờ nương tử” tái hiện công lao của Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, quy tụ nghĩa quân bốn phương, dẹp tan ách thống trị của quân Đông Hán.

Lễ hội đã khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa, tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc và khẳng định huyện Phúc Thọ sẽ phát huy nội lực xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Phần hội diễn ra sôi nổi với các môn thi đấu thể dục thể thao, các trò chơi dân gian. Trước đó, từ ngày 10-11/4, dâng làng và khách thập phương cũng tổ chức tế lễ, các trò chơi dân gian và chương trình nghệ thuật./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục