Ngày 23/10, tại Di tích lịch sử quốc gia Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961-23/10/2021).
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế đọc diễn văn ôn lại chặng đường lịch sử hào hùng, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với những cán bộ, chiến sỹ Đoàn tàu không số và lực lượng chỉ huy phục vụ bến của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.
Cuối năm 1964, Bộ Tổng Tư lệnh giao Bộ Tư lệnh Hải quân nghiên cứu mở rộng tuyến vận tải đường biển vào các bến thuộc địa bàn Khu 5.
Trung ương giao cho Phân khu Nam và Tỉnh ủy Phú Yên nhiệm vụ chọn bến, bãi để tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc chi viện bằng đường biển cho Khu 5.
Ban Thường vụ Liên Tỉnh ủy III và Phân khu Nam tổ chức Hội nghị liên tịch tại Suối Phẩn (nay thuộc xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa) bàn biện pháp và chọn bến, bãi đón tàu và thống nhất chọn Vũng Rô, nơi ba phía đều có núi bao bọc, nước sâu nhưng không lệ thuộc thủy triều, tàu 100 tấn ra vào dễ dàng, có nhiều bãi nhỏ như bãi Chính, bãi Lau, bãi Chùa trở thành điểm nhận hàng hóa.
Ngày 16/11/1964, Tàu 41 thuộc Đoàn 125 chở hơn 60 tấn vũ khí, thuốc men do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh - người con của Phú Yên chỉ huy, rời cảng Hải Phòng theo đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện cho chiến trường Phú Yên, Khánh Hòa và Tây Nguyên.
[60 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển: Thiên anh hùng ca bất tử]
Vào khoảng 1 giờ sáng ngày 28/11/1964, chiếc tàu không số đầu tiên cập bến Vũng Rô an toàn. Ban chỉ huy bến và hơn 1.000 cán bộ, đảng viên, bộ đội, du kích, thanh niên xung phong khẩn trương bốc dỡ hàng hóa.
Trên sông Bàn Thạch, thuyền câu ngụy trang chở vũ khí, thuốc men ngược lên Hòa Mỹ, Hòa Thịnh để dân công đưa hàng vượt Dốc Mõ vào Khánh Hòa và lên chiến trường Tây Nguyên.
Trong thời gian từ tháng 11/1964 đến tháng 1/1965, Tàu 41 đã 3 lần cập bến thành công, chi viện gần 200 tấn vũ khí cho lực lượng vũ trang phân khu V và Tây Nguyên.
Trong tầm truy soát gắt gao của quân thù, cán bộ, chiến sỹ và dân quân tại bến Vũng Rô vẫn kiên cường, băng qua đạn lửa của địch, kịp thời vận chuyển vũ khí vào tiếp tế cho chiến trường.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế nhấn mạnh đường Hồ Chí Minh trên biển là một thiên anh hùng ca bất tử, là một bộ phận quan trọng của hệ thống vận tải quân sự chiến lược trong cuộc kháng chiến chống xâm lược, giải phóng đất nước, là con đường thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng, lòng dũng cảm, khí phách anh hùng của dân tộc ta.
Tự hào về truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Phú Yên luôn trân trọng gìn giữ, phát huy; quyết tâm biến chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu thành chủ nghĩa anh hùng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thành ý chí vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; xây dựng tỉnh Phú Yên phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng với những công lao to lớn và sự hy sinh cao cả của các thế hệ đi trước, viết tiếp trang sử vàng vẻ vang, hào hùng của dân tộc và quê hương.
Sau lễ kỷ niệm, lãnh đạo tỉnh Phú Yên cùng đại diện các tổ chức đoàn thể, nhân dân và thuyền trưởng Tàu 41, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tá Hồ Đắc Thạnh đã thực hiện lễ viếng và thả vòng hoa tưởng niệm các cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh để bảo vệ tàu không số và bến Vũng Rô./.