Ngày 24/10, tổ chức Factum Foundation của Tây Ban Nha công bố 2 bản sao bức tượng nổi tiếng của thời vương quốc cổ đại Assyria (từ năm 2500-605 trước Công nguyên) từng bị tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng phá hủy tại thành cổ Nimrud, cách thành phố Mosul (Iraq) 30km về phía Nam vài năm trước.
Bức tượng lamassu thực sự có kích thước lớn với mặt người, thân là bò đực có cánh và được đặt tại cung điện của hoàng gia ở thành cổ Nimrud hàng thế kỷ. Sau đó, một bức tượng đã được trưng bày tại bảo tàng Mosul.
Năm 2014, các tay súng IS càn quét khu vực phía Bắc Iraq và phá hủy những phiên bản gốc của bức tượng. IS đã cho nổ tung thành cổ Nimrud và quay lại cảnh phá hoại "không thương tiếc" những cổ vật quý giá mà chúng cho là “dị giáo."
Quân đội Iraq đã giải phóng thành phố Mosul từ giữa năm 2017. Tuy nhiên, đến nay, bảo tàng Mosul vẫn đóng cửa và tượng lamassu chưa được phục dựng.
Sử dụng các bản ghi hình ảnh 3D về các mảnh vỡ của lamassu, tổ chức Factum Foundation đã tạo dựng các bản sảo của bức tượng bên ngoài thư viện của Đại học Mosul.
[Bảo tàng ở miền Nam Iraq trưng bày nhiều cổ vật bị đánh cắp]
Phát biểu tại buổi lễ công bố các bức tượng, Đại sứ Tây Ban Nha Juan Jose Escobar cho biết món quà này là một thông điệp hy vọng Mosul đã trở lại cuộc sống bình thường và người dân cần nỗ lực tái thiết thành phố sau chiến tranh.
Theo Giáo sư sử học Ahmad Qassem của Đại học Mosul, bức tượng lamassu có tính biểu tượng cao với phần đầu tượng trưng cho sự khôn ngoan, đôi cánh tượng trưng cho tốc độ trong khi phần thân giống cả thân bò và sư tử thể hiện sức mạnh.
Trong văn hóa Assyria cổ đại, Lamassu được coi là vị thần bảo vệ nên thường được xuất hiện tại các lối vào cung điện tại Assyria./.