Dựng lại điện Kính Thiên

"Phục dựng điện Kính Thiên đảm bảo tính thận trọng"

Phương án phục dựng điện Kính Thiên nhận được sự ủng hộ của các nhà khoa học, nhưng trên cơ sở phải đảm bảo tính thận trọng.
Điện Kính Thiên là Chính điện của Hoàng thành Thăng Long vào các triều đại Lê, Mạc, Lê Trung Hưng; là nơi nhà Vua cử hành nghi lễ đại triều và các nghi lễ quốc gia quan trọng.

Năm 1886, điện Kính Thiên (sau này được đổi tên là Điện Long Thiên) bị quân Pháp phá hủy để xây Sở chỉ huy pháo binh và dấu tích chỉ còn nền móng kiến trúc cao hơn 2m cùng bậc thềm chạm rồng và một số dấu tích khi đào thám sát. Khi Hoàng thành Thăng Long trở thành di sản văn hóa thế giới, việc phục dựng điện Kính Thiên nhằm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của di tích đang được thành phố Hà Nội cũng như các cơ quan hữu quan tính đến.

Tại hội thảo "Nghiên cứu phương án phục dựng điện Kính Thiên do Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội" tổ chức ngày 17/8, phương án phục dựng đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà khoa học.

Phục dựng điện Kính Thiên phải đảm bảo tính thận trọng

Trả lời vấn đề có hay không việc cần thiết phục dựng lại điện Kính Thiên tại Hoàng thành Thăng Long, phần lớn các nhà khoa học đều ủng hộ phương án phục dựng và cho rằng thực hiện càng sớm càng tốt trên cơ sở đảm bảo tính thận trọng, khoa học, pháp lý. Bởi trước hết, các tư liệu về điện Kính Thiên giờ đây không còn nhiều, đòi hỏi công tác sưu tầm, nghiên cứu phải tích cực và nghiêm túc.

Cùng với sưu tầm tài liệu trong nước, những người thực hiện còn phải sưu tầm các tư liệu nước ngoài giới thiệu, mô tả về điện Kính Thiên. Các dấu tích vật chất hiện còn trên mặt đất và dưới lòng đất qua các đợt khai quật (cả những lần tiếp theo) sẽ là dữ liệu cơ sở để phục dựng di tích.

[Triển khai bảo tồn, tôn tạo Trung tâm Hoàng thành]

Các nhà khoa học cũng khẳng định, việc phục dựng không thể đầy đủ như trong lịch sử nhưng có thể đưa gần hơn ở mức có thể, với diện mạo của một công trình trung tâm quan trọng hàng đầu của Thăng Long xưa.

Trong khi đó, Hoàng thành Thăng Long đã trở thành di sản của thế giới; việc bảo tồn, phát huy giá trị không chỉ tuân thủ theo Luật Di sản mà phải phù hợp với những cam kết đối với UNESCO và các công ước quốc tế khác. Phục dựng điện Kính Thiên trong Hoàng thành nhất thiết phải được đặt trong chương trình tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của một di sản đã được UNESCO công nhận.

Còn việc phục dựng điện Kính Thiên như thế nào, tiến sỹ Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích cho rằng: “Chúng ta chưa thể trả lời ngay được bởi chưa đủ cơ sở. Câu trả lời sẽ có sau một thời gian nghiên cứu nghiêm túc và thận trọng."

Hoàn trả không gian điện Kính Thiên


Một vấn đề đang được đặt ra là nên hay không việc tháo dỡ hay di dời nhà làm việc Cục tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu của Quân đội Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ để phục vụ nghiên cứu, hoàn trả không gian điện Kính Thiên trong khu di tích? Hiện nay, dãy nhà Cục tác chiến chia đôi quảng trường trước cửa nền điện Kính Thiên đến Đoan Môn làm hai khu vực. Vì vậy, để tạo một quảng trường lớn trước nền điện Kính Thiên nhằm phục vụ tổ chức các sự kiện lớn và tái tạo lại trục chính tâm từ điện Kính Thiên đến Đoan Môn nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc nhà Cục tác chiến là cần thiết.

Hội thảo đưa ra phương án di chuyển nhà Cục tác chiến chạy dọc về phía Tây tường rào giáp đường Hoàng Diệu. Hoặc phương án giữ nguyên dãy nhà Cục tác chiến tại vị trí cũ nhưng đục thông khoang vòm chính tạo thành ba khoang vòm lớn đủ để đi lại và tạo không gian cho trục chính tâm. Đa phần các nhà khoa học đều tán thành phương án di dời dãy nhà Cục tác chiến.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại UNESCO Bộ Ngoại giao, Ủy viên thư ký thường trực Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, bày tỏ: “Ủy ban UNESCO Việt Nam ủng hộ phương án di dời dãy nhà Cục tác chiến; vừa đáp ứng việc bảo tồn giá trị di sản, đáp ứng mong đợi của nhân dân và tạo thêm công năng cho khu di tích. Dãy nhà Cục tác chiến cũng là một bộ phận cấu thành trong hồ sơ tranh cử để Hoàng thành Thăng Long trở thành di sản thế giới; do vậy khi di dời phải nghiên cứu, thực hiện kỹ lưỡng."

Giáo sư Phan Khanh còn cho rằng để hoàn trả không gian điện Kính Thiên cũng phải di dời nhà con Rồng (là một trong những nơi làm việc của Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy trong kháng chiến chống Mỹ) xuống phía sau khoảng 10m bởi khu nhà này xây dựng chính trung tâm điện Kính Thiên. Sau khi di dời nhà con Rồng cần đào khảo sát nền điện Kính Thiên để tìm dấu tích thiết kế điện. Cùng với đó, cần di dời hai khu nhà một tầng phía trước nền điện sang hai bên.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng việc phục dựng điện Kính Thiên đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo nhà khoa học và với quyết tâm của Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội cũng như thành phố Hà Nội nói chung, Hoàng thành Thăng Long sẽ có thêm một di tích để khẳng định nhiều hơn các giá trị văn hóa lịch sử của một trung tâm quyền lực chính trị kéo dài 13 thế kỷ./.

Đinh Thị Thuận (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục