Phương án khôi phục sản xuất sau giãn cách ở Thành phố Hồ Chí Minh

Song song với quá trình kiểm soát dịch COVID-19, Thành phố Hồ Chí Minh cũng xây dựng các phương án phục hồi kinh tế trên nguyên tắc an toàn đến đâu mở cửa đến đó, mở cửa thì phải an toàn.
Phương án khôi phục sản xuất sau giãn cách ở Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 1Đường phố ở Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu đông đúc trở lại. (Ảnh: Xuân Tình/TTXVN)

Sau thời gian dài áp dụng các biện pháp siết chặt giãn cách xã hội, việc kiểm soát dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam đã có những tín hiệu khả quan. Chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp bước vào quá trình khôi phục sản xuất, kinh doanh để phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, việc “nhập cuộc” trở lại của doanh nghiệp sau thời gian dài gồng mình phòng, chống dịch cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức và cần có chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả.

Nhiều ngành sản xuất giảm mạnh

Trong 8 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của thành phố đã sụt giảm mạnh, nhiều ngành sản xuất quan trọng đồng loạt giảm. Cụ thể, 4 ngành công nghiệp trọng yếu giảm 5,8% so cùng kỳ năm 2020; trong đó ngành cơ khí giảm 2,6%; ngành hóa dược giảm 5,3%; ngành sản xuất hàng điện tử giảm 6,7%; ngành lương thực thực phẩm và đồ uống giảm 8,7%.

Ba ngành công nghiệp truyền thống giảm tới 12,3% so với cùng kỳ, cụ thể ngành dệt giảm 6,9%, sản xuất trang phục giảm 18,5%, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 6,9%.

Việc thực hiện giãn cách toàn xã hội kéo theo sức mua kém, doanh thu bán lẻ và dịch vụ ảm đạm. Trong 8 tháng năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó doanh thu bán lẻ giảm 6,2%, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 20%, doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác giảm 14,6%, doanh thu du lịch lữ hành giảm tới 52,2%.

Phương án khôi phục sản xuất sau giãn cách ở Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 2Dây chuyền sản xuất bao bì đựng thức ăn gia súc. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều nhà máy sản xuất vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, nhất là các nhà máy sản xuất phân bón và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phải giảm công suất, thậm chí là ngừng sản xuất, dẫn đến khan hiếm nguồn nguyên liệu. Chi phí vận chuyển hàng hóa trong thời gian này cũng tăng lên đáng kể khiến giá thành hàng hóa tăng liên tục.

Trải qua gần 3 tháng sản xuất “3 tại chỗ” với quy mô hạn chế, năng suất giảm sút nghiêm trọng, đa phần doanh nghiệp đã cạn kiệt mọi nguồn lực dự trữ và phải cấp thiết xây dựng phương án khôi phục sản xuất ngay khi có thể. Do đó Thành phố Hồ Chí Minh chuyển từ phương châm “không COVID-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” nhưng vẫn rất thận trọng.

An toàn đến đâu, mở cửa đến đó

Song song với quá trình kiểm soát dịch COVID-19, Thành phố Hồ Chí Minh cũng xây dựng các phương án phục hồi kinh tế trên nguyên tắc an toàn đến đâu mở cửa đến đó, mở cửa thì phải an toàn.

Ngày 30/9, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố các nội dung của Chỉ thị mới về việc kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thành phố sẽ từng bước khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội an toàn, hiệu quả; quan tâm mở các hoạt động của khu vực sản xuất, dịch vụ; đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người dân; nối lại các chuỗi cung ứng sản xuất, chuỗi cung ứng lao động.

[Ngày đầu nới lỏng giãn cách ở TP.HCM: Nhịp sống dần sôi động trở lại]

Đặc biệt, thành phố bảo bảo hoạt động lưu thông hàng hóa với các địa phương được thuận lợi, đáp ứng phục vụ đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn còn phức tạp, số ca mắc mới, số ca nhiễm bệnh đang điều trị tại nhà và tại các cơ sở y tế, tỷ lệ tử vong vẫn còn cao. Mặt khác, tỷ lệ tiêm vaccine tại các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn rất thấp, tỷ lệ tiêm vaccine mũi 2 của thành phố chưa cao, đòi hỏi các quyết định, chính sách phục hồi kinh tế của thành phố phải cân nhắc, thận trọng, kỹ lưỡng, phù hợp với cả vùng.

Vì vậy, thành phố sẽ triển khai từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm "An toàn là trên hết," "An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn."

Tái tạo và phát triển liên kết vùng

Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh gắn liền với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tuy nhiên thời gian qua, do chính sách phòng chống dịch của các địa phương có nhiều khác biệt đã làm đứt gãy các chuỗi liên kết, cung ứng của khu vực. Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh không thể “một mình một chợ” khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc tái tạo lại và phát triển chuỗi liên kết cung ứng nguyên liệu-sản xuất với các tỉnh, thành trong vùng là rất quan trọng.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nguồn nguyên liệu chính phục vụ cho ngành sản xuất lương thực thực phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu đến từ các tỉnh lân cận; trong đó, rau củ được nhập từ Tây Nguyên, thịt gia súc gia cầm nhập từ các tỉnh Đông Nam Bộ và thủy sản từ Đồng bằng sông Cửu Long.

Để không lặp lại tình trạng nông, thủy sản ùn ứ tại vùng nuôi, trồng trong khi doanh nghiệp chế biến thiếu nguyên liệu, Thành phố Hồ Chí Minh phải sớm xúc tiến trao đổi, hợp tác với các tỉnh, thành có vùng nguyên liệu lớn thống nhất cùng triển khai hành động kết nối, củng cố lại chuỗi liên kết cung ứng chế biến của khu vực.

Bên cạnh việc thực hiện nhất quán chủ trương kiểm soát phòng chống dịch, tạo điều kiện cho hàng hóa được lưu thông liên tục thì Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất nhu cầu thị trường cần, các phương án bao tiêu đầu ra và đề nghị các tỉnh cam kết mở rộng quy mô sản xuất, tăng sản lượng của vùng nguyên liệu theo từng thế mạnh của địa phương.

Ông Đoàn Võ Khang Duy, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí-Điện Thành phố Hồ Chí Minh nêu thực tế, ngay cả trong thời gian Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam cùng thực hiện Chỉ thị 16 thì quy trình kiểm soát và các điều kiện để được vận chuyển hàng hóa mỗi nơi thực hiện một kiểu khiến doanh nghiệp vô cùng lúng túng và khó khăn.

Phương án khôi phục sản xuất sau giãn cách ở Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 3Công nhân tại một doanh nghiệp. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Hầu hết doanh nghiệp có trụ sở, văn phòng giao dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng nhà máy, xưởng sản xuất ở các tỉnh lân cận, hoặc nhà máy ở Thành phố Hồ Chí Minh thì kho nguyên liệu, hàng hóa cũng đặt ở tỉnh khác. Tuy nhiên, thời gian qua xảy ra tình trạng doanh nghiệp được phép hoạt động nhưng các xe vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa lại không được phép di chuyển hoặc phải thực hiện các quy định riêng của từng địa phương dẫn đến doanh nghiệp không thể có nguyên liệu sản xuất, hàng hóa sản xuất ra cũng không thể cung ứng ra hệ thống phân phối.

“Chính vì vậy, khi xác định mở cửa sản xuất kinh doanh 'thích ứng linh hoạt với COVID-19,' không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh mà cả vùng kinh tế phía Nam phải xây dựng được phương án thích nghi đồng bộ, ưu tiên việc củng cố liên kết vùng giữa các doanh nghiệp cùng chuỗi ngành hàng," ông Đoàn Võ Khang Duy nêu ý kiến.

Cũng như nguyên liệu và vận chuyển hàng hóa, nguồn lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có sự gắn kết chặt chẽ khi phần lớn công nhân, nhân viên làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất tại thành phố là người dân đến từ các tỉnh, thành khác. Vì vậy, trong kế hoạch khôi phục sản xuất của doanh nghiệp thành phố không thể không có phương án đưa người lao động từ các tỉnh, thành trở lại làm việc.

Các chuyên gia đều nhận định chuỗi cung ứng và sự luân chuyển lao động giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam, đặc biệt là các tỉnh Đông Nam bộ là rất lớn và tác động chặt chẽ lẫn nhau. Việc kiểm soát dịch bệnh cũng như tổ chức khôi phục sản xuất của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ rất khó thực hiện nếu không có sự phối hợp và đạt được những điều kiện tương đồng với các địa phương.

Do đó, các tỉnh, thành cần phải thống nhất đưa ra các chính sách đồng bộ trong phòng, chống dịch và mở cửa kinh tế cho cả khu vực mới có thể đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh của vùng kinh tế phía Nam từng bước trở lại quỹ đạo trước dịch và phát triển đồng bộ hơn trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục