Protein trong hệ thống miễn dịch có thể ngăn chặn ung thư ruột giai đoạn đầu

Khi được kích hoạt, Ku70 - một loại protein trong hệ thống miễn dịch đóng vai trò chữa lành các ADN - sẽ phát hiện ra các dấu hiệu ADN bị khiếm khuyết trong tế bào.

Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà khoa học Australia đã tìm ra một loại protein trong hệ thống miễn dịch có thể điều chỉnh được để giúp điều trị ung thư đại trực tràng, hay còn gọi là ung thư ruột.

Trong nghiên cứu được công bố ngày 27/1, nhóm nghiên cứu - do các nhà khoa học tại Đại học Quốc gia Australia (ANU) dẫn đầu - đã phát hiện ra cách thức kích hoạt protein Ku70 (một loại protein đóng vai trò chữa lành các ADN) bằng việc sử dụng thuốc trong quá trình điều trị ung thư ruột ở giai đoạn đầu.

Tác giả chính của nghiên cứu, chuyên gia tại Trường Y tế và Dược thuộc ANU, ông Abhimanu Pandey cho biết khi được kích hoạt, Ku70 sẽ phát hiện ra các dấu hiệu ADN bị khiếm khuyết trong tế bào.

Theo ông, những ADN bị lỗi là một dấu hiệu nguy hiểm có thể biến các tế bào khỏe mạnh thành tế bào ung thư.

Nghiên cứu của nhóm cho thấy Ku70 có thể “xoa dịu” các tế bào ung thư và “dọn sạch” những ADN bị hư hỏng. Protein này ngăn các tế bào ung thư sinh sôi mạnh hơn và lan rộng khắp cơ thể, vô hiệu hóa chúng và giữ chúng ở trạng thái không hoạt động.

Theo Hội đồng Chống Ung thư - một tổ chức phi lợi nhuận nhằm thúc đẩy các chính sách kiểm soát và điều trị ung thư ở Australia, ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến thứ tư ở nước này với ước tính 15.300 ca được chẩn đoán trong năm 2023.

Dữ liệu từ Cơ quan Kiểm soát Ung thư của Chính phủ Australia cho thấy có 5.350 ca tử vong do ung thư đại trực tràng ở Australia trong năm 2021.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu trên cho thấy có khoảng 90% trường hợp có thể được điều trị thành công nếu được phát hiện sớm.

Hiện nay, người dân Australia trong độ tuổi từ 50-74 tuổi đang được xét nghiệm sàng lọc tại nhà miễn phí hai năm một lần theo Chương trình Sàng lọc Ung thư Ruột Quốc gia.

Đồng tác giả nghiên cứu, chuyên gia Si Ming Man tại ANU cho biết trong tương lai, các phương pháp sàng lọc cũng có thể kiểm tra được mức độ Ku70 trong các polyp ruột tiền ung thư để giúp dự đoán về mức độ tiến triển của bệnh.

Trước đó, trong một nghiên cứu riêng biệt được Đại học Adelaide và Viện Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Nam Australia (SAHMRI) công bố ngày 24/1, các nhà nghiên cứu tại đây đã đạt được bước đột phá trong việc phát hiện ung thư ruột mà không cần xét nghiệm phân, bằng cách tạo ra một loại vi khuẩn sống (probiotic bacterium) có thể phát hiện các khối u sớm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục