PTT Phạm Bình Minh và Trưởng ban Tuyên giáo tiếp xúc cử tri

Ngày 8/10, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã tiếp xúc cử tri tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tiếp xúc cử tri tỉnh Tây Ninh.
PTT Phạm Bình Minh và Trưởng ban Tuyên giáo tiếp xúc cử tri ảnh 1Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Thực hiện Chương trình tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, chiều 8/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức buổi tiếp xúc cử tri theo hình thức trực tuyến với các điểm cầu tại: Văn phòng Chính phủ; Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; thành phố Vũng Tàu; các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Côn Đảo.

Tham dự buổi tiếp xúc có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng đại diện lãnh đạo địa phương.

Tại buổi tiếp xúc, Đại tá Nguyễn Tâm Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã báo cáo một số nội dung của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Kỳ họp dự kiến khai mạc vào ngày 20/10/2021, bế mạc ngày 13/11/2021; chia theo hai đợt. Đợt một từ ngày 20/10 đến 3/11/2021 theo hình thức trực tuyến với 63 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và điểm cầu tại Nhà Quốc hội; đợt hai từ ngày 8-13/11/2021 theo hình thức trực tiếp tại Nhà Quốc hội.

[Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tình hình sản xuất tại Thái Nguyên]

Kỳ họp Quốc hội lần này sẽ xem xét và quyết định các vấn đề chính: Thông qua 2 Dự án Luật; 3 Dự thảo Nghị quyết và xem xét, cho ý kiến lần đầu với 5 Dự án Luật: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Cảnh sát cơ động, Điện ảnh sửa đổi, Thi đua khen thưởng sửa đổi và Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi.

Tại Kỳ họp, Đại biểu Quốc hội cũng thảo luận, quyết định các nội dung về kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021; Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022… cùng nhiều vấn đề quan trọng khác.

Sau khi nghe báo cáo của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, cử tri tại các điểm cầu đã nêu ý kiến, kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh một số vấn đề cấp thiết hiện nay như đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho người dân; mở rộng nhóm ưu tiên được tiêm vaccine sớm; việc thực hiện công khai, minh bạch trong công tác chi trả hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP; chính sách giãn nợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp khó khăn do dịch COVID-19… Đây là những vấn đề đang được nhiều cử tri quan tâm, cũng là nguyện vọng chính đáng của cử tri gửi tới các đại biểu Quốc hội, để từ đó chuyển đến cấp ủy, chính quyền địa phương, các bộ, ngành, Quốc hội, Chính phủ.

Phát biểu tại Hội nghị, trên cương vị là đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã thông tin về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của cả nước 9 tháng qua, trong đó có tình hình phòng, chống dịch COVID-19.

Năm 2021, cả thế giới, trong đó có Việt Nam phải hứng chịu và đối phó với dịch COVID-19. Đến nay, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là đợt dịch thứ tư diễn ra từ giữa tháng Bảy đến nay do biến chủng Delta. Việt Nam đã có hơn 800.000 ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 19.000 ca tử vong. Dịch COVID-19 đã tác động sâu rộng đến toàn bộ đời sống kinh tế-xã hội đất nước.

Đến thời điểm này, Việt Nam cơ bản đã kiểm soát một phần đối với dịch COVID-19, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố phía Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng cảm ơn những nỗ lực, đóng góp to lớn, những nghĩa cử cao đẹp của đồng bào, đồng chí, chiến sỹ và cộng đồng các doanh nghiệp cả nước; cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ có hiệu quả của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế trong phòng, chống đại dịch COVID-19 thời gian qua.

PTT Phạm Bình Minh và Trưởng ban Tuyên giáo tiếp xúc cử tri ảnh 2Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết trước tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng như Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị đối với công tác ứng phó dịch bệnh. Nhờ các biện pháp quyết liệt, đồng bộ theo công thức 5K+vaccine+thuốc điều trị và công nghệ cùng với ý thức của người dân, đến nay Việt Nam cơ bản kiểm soát được dịch trên phạm vi toàn quốc.

Hiện tỷ lệ mắc COVID-19 và tử vong đã giảm sâu, đất nước bước vào giai đoạn bình thường mới trong đối phó với dịch COVID-19 và khôi phục phát triển kinh tế-xã hội.

Một trong những biện pháp mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ hết sức quan tâm là việc nhanh chóng tiêm bao phủ vaccine phòng COVID-19. Hiện đã có trên 50 triệu liều vaccine về Việt Nam. Đây là cố gắng lớn nhằm đảm bảo nguồn vaccine trong cả nước. Từ nay đến cuối năm, Việt Nam có thể có thêm từ 40 đến 60 triệu liều vaccine để phấn đấu đến cuối năm 2021, khoảng 80% công dân trên 18 tuổi được tiêm vaccine.

Thời gian qua, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng bày tỏ mong muốn và có công văn đề xuất với Chính phủ bổ sung thêm nguồn vaccine phòng COVID-19 cho địa phương. Ngày 29/9 vừa qua, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã nhận được gần 300.000 liều vaccine do Bộ Y tế cấp và đang tổ chức tiêm cho nhân dân.

Tại cuộc tiếp xúc, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh trân trọng tiếp thu các ý kiến phát biểu của cử tri; nhấn mạnh sẽ cùng với các thành viên trong Đoàn phản ánh nguyện vọng của cử tri và của địa phương đến Quốc hội, Chính phủ; qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã đề ra.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cam kết sẽ nỗ lực hoàn thành các nội dung của Kỳ họp, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, theo quy định của pháp luật và các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Cùng ngày 8/10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, đã tiếp xúc cử tri tại huyện Châu Thành và cử tri các ban, ngành, đoàn thể tỉnh Tây Ninh, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.

Tại Hội nghị, sau khi nghe đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh thông tin khái quát về chương trình dự kiến của kỳ họp, các cử tri đã nêu ý kiến về nhiều nội dung.

Cử tri Trần Văn Hợp, ngụ thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, cho rằng dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh và lây lan ra diện rộng. Các địa phương còn bị động, lúng túng, trông chờ vào sự chỉ đạo của cấp Trung ương; việc triển khai các văn bản hướng dẫn về phòng, chống dịch COVID-19 cũng không được đồng bộ, còn tình trạng mỗi địa phương, mỗi chốt phòng dịch áp dụng mỗi kiểu khác nhau.

PTT Phạm Bình Minh và Trưởng ban Tuyên giáo tiếp xúc cử tri ảnh 3 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)

Cũng theo nhận định của cử tri Trần Văn Hợp, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh phòng, chống dịch thời gian vừa qua vẫn chưa đủ sâu đậm để người dân ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh. Cử tri kiến nghị Nhà nước cần có các giải pháp căn cơ hơn, cũng như tăng cường công tác tuyên truyền, để người dân thấu rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh; cần thay đổi cách tuyên truyền mang tính chất hình thức như hiện nay khi đội tuyên truyền xe loa phát thanh chỉ triển khai trên vài trục đường lớn, những đường nhỏ trong khu dân cư vẫn còn bỏ ngỏ.

Theo cử tri Trần Nghĩa Hiệp, ngụ xã Thái Bình, huyện Châu Thành, hiện nay nhiều người dân không có việc làm một phần là do chưa được tiêm vaccine, vì nhiều doanh nghiệp chỉ tuyển dụng lao động khi đã tiêm vaccine đầy đủ. Chính phủ nên có cơ chế xã hội hóa nguồn cung cấp vaccine cho người dân. Chính phủ đứng ra mua vaccine và người dân sẽ trả phí tiêm vaccine khi có nhu cầu.

Đối với công tác quản lý nghệ sỹ làm từ thiện, cử tri Trần Nghĩa Hiệp kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần có cơ chế quản lý phù hợp, minh bạch, tránh tình trạng lợi dụng lòng tin để trục lợi, làm ảnh hưởng đến công tác vận động từ thiện.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tiếp thu các ý kiến của cử tri; khẳng định những ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền của tỉnh sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh chuyển đến các sở, ngành chuyên môn xem xét, xử lý. Riêng đối với các kiến nghị thuộc thẩm quyền xử lý của Trung ương, Đoàn sẽ ghi nhận, tổng hợp và chuyển cho các cơ quan liên quan xử lý, thông qua tại kỳ họp sắp tới.

Thông tin về tình hình phòng, chống dịch COVID-19, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết hiện nay Việt Nam tuy đã kiểm soát được dịch bệnh, nhưng tình hình dịch COVID-19 vẫn còn rất phức tạp, khó lường.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trọng Nghĩa cũng cho biết cả nước đang chuyển sang giai đoạn bình thường mới, thích ứng với dịch bệnh một cách an toàn, kiểm soát tốt COVID-19, bảo đảm đời sống kinh tế của người dân, phục hồi phát triển sản xuất, giảm thiểu tối đa tình trạng mất việc làm; không để những người yếu thế, hoàn cảnh khó khăn, những người chịu ảnh hưởng nặng nề do COVID-19 bị bỏ lại phía sau../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục