QH nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra 4 dự án Luật

Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra 4 dự án Luật: Bưu chính; Nuôi con nuôi; NHNN VN (sửa đổi); Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Sáng 2/11, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra 4 dự án Luật: Bưu chính; Nuôi con nuôi; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi); Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Chính quy hóa, hiện đại hóa hoạt động bưu chính

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp, qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung, dự thảo Luật Bưu chính trình Quốc hội lần này đã tiếp thu và hiệu chỉnh một số nội dung về tính khả thi, cấu trúc, phạm vi điều chỉnh của Luật; nguyên tắc hoạt động bưu chính và chính sách của Nhà nước về bưu chính; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng và của người sử dụng dịch vụ bưu chính...

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đã giải trình về một số nội dung còn ý kiến khác nhau như việc Nhà nước phải thực hiện cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng.

Thẩm tra dự án Luật này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Bưu chính để tạo khung pháp lý đầy đủ hơn trong lĩnh vực này, giúp cho việc chính quy hóa, hiện đại hóa hoạt động bưu chính phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng để việc áp dụng được thuận lợi, đi vào cuộc sống, nâng cao tính khả thi, dự thảo cần được chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể hơn; bổ sung chế tài; hạn chế thấp nhất việc ban hành các văn bản dưới luật.

Ủy ban này đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động bưu chính; các quy định về đầu tư, kinh doanh dịch vụ bưu chính; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính và người sử dụng dịch vụ bưu chính; hoạt động bưu chính công ích.

Nâng cao trách nhiệm trong việc bảo đảm quyền của trẻ em

Trình bày Tờ trình dự án Luật Nuôi con nuôi, Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường nêu rõ, mục đích là tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất, ổn định, có giá trị áp dụng lâu dài để thu hút sự quan tâm, ủng hộ và giúp đỡ của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em, nâng cao trách nhiệm trong việc bảo đảm quyền của trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Việc ban hành luật này còn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các cặp vợ chồng trong nước muốn có con nuôi; bảo vệ quyền và lợi ích của các cha mẹ nuôi, giúp họ ổn định tư tưởng và yên tâm nuôi dưỡng, chăm sóc con nuôi như con đẻ.

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, so với quy định hiện hành, dự thảo Luật có một số điểm mới cơ bản như điều chỉnh thống nhất vấn đề nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trong một luật với quan điểm tăng cường việc nuôi con nuôi trong nước, việc cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài chỉ là giải pháp cuối cùng.

Đổi mới cách thức lấy ý kiến cho trẻ em làm con nuôi bằng việc quy định trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân cấp xã; đổi mới cách thức giới thiệu trẻ em là con nuôi người nước ngoài qua Hội đồng tư vấn giới thiệu để tránh tiêu cực, thỏa thuận ngầm…

Ban soạn thảo cũng xin ý kiến Quốc hội về một nội dung mới của dự thảo là vấn đề hệ quả pháp lý của nuôi con nuôi.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá cao công tác chuẩn bị dự án và tán thành với mục tiêu, quan điểm xây dựng và nhiều nội dung quan trọng trong Tờ trình và dự thảo Luật.

Ủy ban cũng nêu rõ trong báo cáo thẩm tra ý kiến về một số nội dung cụ thể như hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi; phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; thẩm quyền quyết định nuôi con nuôi và chấm dứt nuôi con nuôi; điều kiện trẻ em được nhận làm con nuôi; xác lập quyền, nghĩa vụ giữa con nuôi và các thành viên khác trong gia đình cha mẹ nuôi; vấn đề nuôi con nuôi ở khu vực biên giới.

Xác định rõ hơn trách nhiệm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia


Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu, điểm mới của dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) là đã xác định rõ ràng hơn nhiệm vụ, trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (Ngân hàng Nhà nước) trong việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia; một số thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước trong việc thực thi chính sách tiền tệ; thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước trong quản lý nhà nước đối với hoạt động thanh tra, giám sát an toàn hoạt động ngân hàng; vai trò quản lý của nhà nước đối với bảo hiểm tiền gửi.

Dự án Luật cũng cụ thể hóa một số cơ chế, điều kiện đảm bảo để Ngân hàng Nhà nước có thể thực thi được các nhiệm vụ với trách nhiệm cao hơn.

Thẩm tra dự án này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng tuy đã có nhiều tiến bộ, đổi mới so với luật hiện hành về những vấn đề hoạch địch và thực thi chính sách tiền tệ, vai trò của cơ quan giám sát đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng nhưng dự thảo còn một số điểm thiết yếu cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện.

Riêng về phân định chức năng của Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ, Ủy ban Kinh tế cho rằng các khái niệm “mức lạm phát định hướng”, “chỉ tiêu lạm phát và định hướng điều hành chính sách tiền tệ quốc gia” là không rõ ràng, việc phân định chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội như trong dự thảo Luật là chưa phù hợp. Cần thiết kế lại theo hướng Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm.

Tạo cơ sở pháp lý bảo đảm sự tự chủ của các tổ chức tín dụng

Với các điểm mới về phạm vi điều chỉnh, tiêu chí phân loại giữa ngân hàng và các tổ chức tín dụng không phải là ngân hàng, các quy định về quản trị tổ chức tín dụng, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được Chính phủ cho là sẽ tạo ra một cơ sở pháp lý đảm bảo sự tự chủ trong kinh doanh của các tổ chức tín dụng, đồng thời bảo đảm sự chặt chẽ, thận trọng trong hoạt động ngân hàng.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, dự thảo đã mở rộng phạm vi đến điều chỉnh cả về thành lập, tổ chức, quản lý, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại và giải thể của các tổ chức tín dụng; trong đó, nội dung quản lý là nội dung thay đổi lớn nhất, nhiều nhất.

Dự thảo Luật đã sử dụng tiêu chí hẹp hơn, cụ thể hơn để phân biệt giữa ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng; quy định theo hướng chỉ áp dụng một số quy định về minh bạch, thận trọng để bảo đảm vốn của Nhà nước được sử dụng an toàn, đúng mục đích; không phân biệt theo hình thức sở hữu mà theo loại hình ngân hàng, phi ngân hàng…

Một số quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng được điều chỉnh theo hướng chặt chẽ hơn và được phân thành các nhóm quy định khác nhau.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật này của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng dự thảo đã có nhiều đổi mới, khắc phục được một số bất cập của luật hiện hành nhưng còn bộc lộ một số hạn chế như: chưa tạo được sự hài hòa giữa bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; quy định về quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng nặng về hành chính, cấp phép, chưa thể hiện tư tưởng đổi mới quản lý.

Tuy nhiên, dự thảo còn nhiều quy định chưa cụ thể, có nhiều nội dung giao Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước quy định; một số nội dung còn có sự trùng lặp với các luật khác.

Ủy ban này đề nghị chỉnh lý dự thảo theo hướng thể hiện rõ quan điểm là cần thiết có các quy định chặt chẽ nhằm bảo đảm an toàn cho hoạt động ngân hàng, mặc khác cũng bảo đảm quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục