QH thảo luận dự án Luật Thi hành án hình sự

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Thi hành án hình sự không bao gồm việc thi hành các biện pháp tư pháp.
Thảo luận về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án Luật Thi hành án hình sự, đại biểu Đặng Văn Khanh (Hà Nội) đề nghị, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật không bao gồm việc thi hành các biện pháp tư pháp mà chỉ quy định về tổ chức hoạt động của cơ quan thi hành án hình sự, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành các hình phạt.

Cùng với quan điểm này, sáng 20/11, tại phiên thảo luận ở tổ, đại biểu Trần Đình Long (Đắk Lắk) tán thành với những phân tích của Ủy ban Tư pháp (Quốc hội) cho rằng căn cứ để ra quyết định thi hành án hình sự là bản án, quyết định của tòa án, điều đó không có nghĩa là mọi quyết định trong bản án hình sự đều được thi hành theo quy định của Luật này.

Ngoài những quyết định về tội phạm và hình phạt, trong bản án hình sự, tòa án còn quyết định về những nội dung khác như án phí trách nhiệm dân sự... Những nội dung này không điều chỉnh trong Luật Thi hành án hình sự.

Trong khi đó, các biện pháp tư pháp đã được Bộ luật Hình sự quy định bao gồm: bắt buộc chữa bệnh, giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng đều không phải là hình phạt, việc thi hành các biện pháp này đang được thực hiện theo trình tự thủ tục hành chính.

Về nội dung này, Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị phạm vi điều chỉnh của Luật cần xác định bao gồm hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý và cơ quan thi hành án hình sự; trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định của tòa án về các hình phạt chính và hình phạt bổ sung; thi hành án treo; quyền và nghĩa vụ của người phải chấp hành án; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan đến thi hành án hình sự.

Về cơ quan quản lý nhà nước về thi hành án hình sự, đại biểu Đặng Văn Khanh, Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) ủng hộ quan điểm của dự thảo Luật quy định giao Bộ Công an giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về thi hành án hình sự.

Đại biểu Đặng Văn Khanh đánh giá việc tổ chức thực hiện các hình phạt khác như cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, quản chế, cấn đảm nhiệm chức vụ, tước một số quyền công dân... hiện nay chưa có cơ quan chịu trách nhiệm chính, nên hiệu quả thi hành các hình phạt trên không cao, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật. Việc quy định như dự thảo Luật là phù hợp.

Các nội dung khác liên quan đến hình thức thi hành hình phạt tử hình, việc hiến xác, mô, bộ phận cơ thể người bị thi hành hình phạt tử hình; giải quyết cho nhận thi hài, hài cốt, tro cốt của người bị thi hành hình phạt tử hình... đã được các đại biểu đóng góp ý kiến cụ thể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục