Quan chức Campuchia nói gì về vụ UAV rơi trên lãnh thổ nước này?

Tướng Tea Banh nói rằng chiếc UAV rơi ở xã Koh Sdach (huyện Kiri Sakor, tỉnh Koh Kong) không phải là máy bay do thám đe dọa an ninh quốc gia của Campuchia như một số thông tin.
Quan chức Campuchia nói gì về vụ UAV rơi trên lãnh thổ nước này? ảnh 1(Nguồn: twitter.com)

Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh hôm 2/3 xác nhận rằng chiếc máy bay không người lái (UAV) cỡ lớn bị rơi ở huyện Kiri Sakor (tỉnh Koh Kong) hồi tháng 2/2020 thuộc sở hữu của một công ty tư nhân.

Báo Khmer Times trích dẫn phát biểu này của Bộ trưởng Tea Banh tại buổi lễ Bộ Quốc phòng Campuchia trao tặng 300.000 khẩu trang và đồ bảo hộ phòng chống dịch COVID-19 cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia.

Vụ UAV rơi ở khu vực gần sân bay Dara Sakor khổng lồ, được cho là có đường băng dài 3.200m, gần đây đã trở thành đề tài thu hút sự quan tâm của giới truyền thông quốc tế, bởi phân tích về quy mô của đường băng và các cơ sở khác cho thấy, những hạng mục này không dành cho khách du lịch như tuyên bố của Chính phủ Campuchia.

[Thủ tướng Hun Sen tới thăm Trung Quốc trong thời điểm dịch nCoV]

Dự án sân bay Dara Sakor do Tập đoàn Union Development Group (Trung Quốc) đầu tư tại tỉnh duyên hải Koh Kong sẽ được hoàn thành trong năm 2020 và đi vào hoạt động từ năm 2021.

Giải thích với phóng viên báo Khmer Times, Tướng Tea Banh nói rằng chiếc UAV rơi ở xã Koh Sdach (huyện Kiri Sakor, tỉnh Koh Kong) không phải là máy bay do thám đe dọa an ninh quốc gia của Campuchia như một số thông tin.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tea Banh không cho biết chi tiết về công ty sở hữu chiếc máy bay này.

Ông nói: "Nó bay trong lãnh thổ Campuchia, vậy nó ở Campuchia. Công ty tư nhân này mua nó (UAV) vì họ muốn thử nó. Theo những gì tôi biết, chiếc máy bay không người lái này không làm tổn hại đến an ninh Campuchia. Nó không phải là vấn đề lớn và họ (công ty tư nhân) lái nó chỉ với mục đích giải trí."

Trang web Bộ Quốc phòng Campuchia từng xác nhận chiếc UAV này có tên Harbin BZK-005, với số định danh ID 1701002, và do nước ngoài vận hành với mục đích thám không, nhưng đã bị mất kiểm soát khi đang bay và rơi xuống đất.

BZK-005, nếu được xác nhận, là loại UAV hoạt động ở độ cao lớn với bán kính bay rộng, chủ yếu được sử dụng cho mục đích do thám tầm xa, được Đại học Hàng không&Vũ trụ Bắc Kinh và Công ty máy công nghiệp máy bay Harbin thiết kế.

BZK-005 được tích hợp một số tính năng do thám bí mật vào thiết kế hoạt động. Nó được cho là có đường antenna kết nối dữ liệu vệ tinh ở phần thân trên máy bay.

Phần dưới thân máy bay là hệ thống cảm biến điện quang. BZK-005 có tốc độ bay 170km/giờ, trần bay 8.000m và trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 1.200kg và có thể mang trọng tải lên tới 150kg.

Nhiều chuyên gia cho rằng loại UAV này đã được bán trên thị trường từ năm 2018.

Tuy nhiên, Người phát ngôn của Không quân Campuchia, Thiếu tướng Prak Sokha, hôm 2/3 nói rằng Bộ Quốc phòng Campuchia đã liên hệ với Đại học Hàng không&Vũ trụ Bắc Kinh cùng Công ty máy công nghiệp máy bay Harbin để xác nhận tình trạng thương mại chiếc “BZK-005” trên thị trường.

Tướng Prak Sokha nói: “Chúng tôi (Bộ Quốc phòng) đã liên lạc với công ty nhưng công ty nói rằng họ chưa bán chiếc máy bay UAV này cho bất kỳ quốc gia bên ngoài nào.”

Ông Prak Sokha khẳng định: “Tôi chưa thể xác nhận công ty nào sở hữu chiếc UAV này nhưng tôi chắc chắn nó thuộc về một công ty tư nhân. Chúng tôi (Không quân Hoàng gia Campuchia) đã hỏi các công ty có trụ sở tại tỉnh Koh Kong nhưng tất cả đều phủ nhận sở hữu chiếc UAV này.”

Tuy nhiên, Tướng Prak Sokha cũng nói thêm rằng Không quân Campuchia biết rõ chiếc UVA thuộc về một công ty nhưng cho tới nay, công ty này phủ nhận sở hữu UAV.

Đầu tháng 2/2020, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh đã chỉ trích kênh truyền thông Australia đưa tin chiếc UAV này có liên quan tới quân đội Trung Quốc, và ông Tea Banh coi đây là tin giả.

Liên quan tới vụ việc này, Chủ tịch Viện Tầm nhìn châu Á (Campuchia), tiến sỹ Chheang Vannarith hôm 2/3 nói rằng vẫn còn rất nhiều thông tin mơ hồ và sự hoài nghi về chiếc UAV bị rơi trên lãnh thổ Campuchia.

Ông cho rằng Chính phủ Campuchia cần phải giải thích rõ ràng hơn về vụ việc.

Tiến sỹ Chheang Vannarith nói: “Chính phủ chưa giải thích rõ rằng tại sao một chiếc UAV lớn đến như vậy lại do một công ty tư nhân sử dụng."

Những thông tin của báo chí nước ngoài trước đó hoài nghi rằng thiết kế của Dự án Dara Sakor tại tỉnh duyên hải Koh Kong được dùng cho cả mục đích dân sự và quân sự.

Điều này khẳng định thông tin trước đó của truyền thông Mỹ cho rằng mục tiêu của Trung Quốc là quân sự hóa một số dự án cảng biển và sân bay do nước này tài trợ ở Campuchia.

Năm 2019, Phnom Penh đã từ chối đề nghị của Washington về việc duy tu các công trình hậu cần tại căn cứ hải quân Ream, nơi Mỹ đã tài trợ trước đó.

Dự án Dara Sakor dường như là một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.

Bắc Kinh có kế hoạch xây dựng các cảng biển và cơ sở hạ tầng chiến lược khác ở những quốc gia như Myanmar, Sri Lanka và Pakistan để phục vụ mục đích thương mại.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định những dự án này thực chất sẽ mở đường cho Trung Quốc thiết lập thêm các căn cứ quân sự ở Ấn Độ Dương sau khi đã thiết lập căn cứ quân sự ở Djibouti./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục