Người đứng đầu Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev ngày 27/3 cho biết Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, có thể đạt được một thỏa thuận mới để giúp cân bằng thị trường dầu nếu có sự tham gia của các nước khác.
Bên cạnh đó, ông Dmitriev nhấn mạnh các nước cần phối hợp hành động để giảm bớt những thiệt hại kinh tế do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.
Trước đó, các nước OPEC+ hồi đầu tháng 3/2020 đã không đạt được nhất trí về việc tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu đễ hỗ trợ thị trường dầu thế giới khiến giá “vàng đen” giảm mạnh sau đó.
Ông Dmitriev và Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak là những nhà đàm phán hàng đầu của Nga đã tham gia các cuộc thảo luận về cắt giảm sản lượng dầu với OPEC. Thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu hiện nay của OPEC+ sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/3.
Theo ông Dmitriev, thông qua các cuộc thảo luận với Saudi Arabia và một loạt quốc gia sản xuất dầu khác, Nga nhận thấy nếu số lượng thành viên OPEC+ tăng và các nước khác cùng tham gia thì OPEC+ có thể đạt được một thỏa thuận chung nhằm cân bằng thị trường dầu mỏ.
Tuy vậy, ông Dmitriev không đề cập thông tin cụ thể về các nước có thể tham gia thỏa thuận mới của OPEC+. Hiện tại, Nga là nước đứng đầu nhóm quốc gia sản xuất dầu ngoài OPEC, trong khi Saudi Arabia là một những nước sản xuất dầu hàng đầu OPEC.
[Nước Nga tìm cách đối phó với cơn khủng hoảng giá dầu]
Ngoài ra, ông Dmitriev cho biết khủng hoảng kinh tế toàn cầu là điều không thể tránh khỏi khi tổng nợ của thế giới đã tăng lên mức tương đương 323% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn cầu, từ mức 230% GDP của giai đoạn trước khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Giá dầu tại thị trường châu Á diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch chiều 27/3 sau khi các chính phủ thực hiện các biện pháp chưa từng có để hạn chế sự sụp đổ kinh tế do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Cụ thể, tại thị trường Tokyo giá dầu Brent đã giảm 34 xu Mỹ (1,2%) xuống 26 USD/thùng vào lúc 14 giờ 26 phút (giờ Việt Nam), trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) lại tăng 8 xu Mỹ (0,4%) lên 22,68 USD/thùng.
Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 26/3 đã cam kết đồng lòng trong cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, với kế hoạch bơm 5.000 tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu trước những dự đoán về khả năng xảy ra một đợt suy thoái sâu.
Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu dầu của thế giới có thể giảm 20 triệu thùng/ngày, hay 20% tổng cầu, trong bối cảnh 3 tỷ người đang phải ở trong nhà do dịch COVID-19.
Còn Woodside Petroleum, người đứng đầu Cơ quan phát triển dầu khí Australia Woodside Petroleum, cho rằng năm nay sẽ là năm giá dầu có nhiều biến động./.