Quân đội Sudan sơ bộ thông qua đề xuất gia hạn lệnh ngừng bắn

Tư lệnh quân đội Sudan đã sơ bộ thông qua đề xuất về việc kéo dài lệnh ngừng bắn thêm 72 giờ và cử phái đoàn quân sự tới Juba, thủ đô của nước láng giềng Nam Sudan, để đàm phán.
Quân đội Sudan sơ bộ thông qua đề xuất gia hạn lệnh ngừng bắn ảnh 1Một tòa nhà bị hư hại do giao tranh giữa quân đội Sudan và lực lượng bán quân sự RSF tại Khartoum, Sudan ngày 23/4/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 26/4, lệnh ngừng bắn giữa quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bị phá vỡ nở khu vực ngoại ô thủ đô Khartoum, song quân đội Sudan bày tỏ sẵn sàng gia hạn thỏa thuận.

Theo tuyên bố của quân đội Sudan, Tư lệnh quân đội, Tướng Abdel Fattah al-Burhan, đã sơ bộ thông qua đề xuất của Cơ quan liên chính phủ về phát triển (IGAD) về việc kéo dài lệnh ngừng bắn thêm 72 giờ và cử phái đoàn quân sự tới Juba, thủ đô của nước láng giềng Nam Sudan, để đàm phán.

[Cuộc chiến Sudan có thể gây ra nỗi thống khổ "xuyên biên giới"]

Tuyên bố cho biết các tổng thống của Nam Sudan, Kenya và Djibouti đã thảo luận về đề xuất, trong đó có việc gia hạn lệnh ngừng bắn và đàm phán giữa hai phe phái. IGAD đã đề xuất quân đội Sudan và RSF gia hạn lệnh ngừng bắn, cũng như cử phái đoàn tới Juba để đối thoại.

Hiện RSF chưa đưa ra phản hồi về đề xuất của IGAD.

Trước đó, quân đội Sudan và RSF đã nhất trí ngừng bắn trong 3 ngày, đến đêm 26/4. Tuy nhiên, giao tranh đã nổ ra ngày 26/4, trong đó Omdurman là một trong những địa điểm xảy ra giao tranh dữ dội nhất.

Trong khi đó, các nước tiếp tục đẩy nhanh việc sơ tán công dân khỏi Sudan.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông-Bắc Phi, Tổng cục Quản lý cảng cạn và đất liền Ai Cập (GALDP) ngày 26/4 thông báo hơn 10.000 người thuộc các quốc tịch khác nhau đã sơ tán khỏi Sudan thông qua 2 cửa khẩu biên giới trên đất liền Qastal và Arqeen để vào Ai Cập trong 5 ngày qua.

GALDP cho biết đã và đang phối hợp với tất cả tổ chức hữu quan để đảm bảo công dân Ai Cập và người nước ngoài sơ tán từ Sudan được tạo mọi điều kiện thuận lợi.

Cùng ngày, một tàu chở gần 1.700 người sơ tán từ Sudan đã cập cảng ở thành phố Jeddah của Saudi Arabia, trong bối cảnh Chính phủ Saudi Arabia đang tiếp tục nỗ lực đưa công dân nước này, cũng như của các quốc gia khác rời khỏi Sudan.

Kể từ khi bắt đầu hoạt động sơ tán đến ngày 26/4, Saudi Arabia đã đưa tổng cộng 2.148 người rời khỏi Sudan, trong đó có 114 công dân nước này và 2.034 công dân thuộc 62 quốc tịch khác nhau.

Saudi Arabia đã tiếp nhận nhiều người sơ tán bằng đường hàng không và đường biển từ Sudan, trong đó một số tàu bắt đầu đến Jeddah vào ngày 22/4.

Ngày 24/4, một máy bay quân sự C-130 Hercules đã chở hàng chục công dân Hàn Quốc đến Căn cứ Không quân King Abdullah ở Jeddah và một tàu chở gần 200 công dân của 14 quốc gia khác nhau vượt Biển Đỏ từ Cảng Sudan để đến Jeddah.

Cũng trong ngày 26/4, Bộ Ngoại giao Cyprus cho biết nước này đã tiếp nhận hàng trăm người nước ngoài sơ tán từ Sudan.

Cyprus ngày 25/4 đã khởi động kế hoạch tiếp nhận các công dân nước ngoài sơ tán khỏi Sudan, một phần trong hành động của Liên minh châu Âu (EU) nhằm hồi hương hàng nghìn công dân khối này và nước thứ ba bị mắc kẹt do giao tranh giữa các phe phái đối địch, chủ yếu ở thủ đô Khartoum của Sudan.

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các cuộc giao tranh tại Sudan từ giữa tháng 4 đến nay đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 459 người và khiến hơn 4.000 người bị thương.

WHO lo ngại các con số sẽ còn tăng lên do dịch bệnh bùng phát và thiếu nhu yếu phẩm cùng các trang thiết bị y tế cứu chữa cần thiết trong bối cảnh giao tranh tiếp diễn hiện nay.

Phát biểu họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết hiện chỉ có 16% số cơ sở y tế tại thủ đô Khartoum còn hoạt động. WHO ước tính rằng có khoảng 25% số người thiệt mạng trong các cuộc giao tranh tại Sudan lẽ ra có thể đã sống sót nếu được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản.

Tổng Giám đốc WHO cho biết cơ quan này đang đánh giá mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng sau khi các tay súng ở Sudan chiếm một phòng thí nghiệm quốc gia lưu giữ những mẫu bệnh phẩm gây chết người.

Ông bày tỏ lo ngại rằng những người chiếm giữ phòng thí nghiệm có thể vô tình tiếp xúc với mầm bệnh được lưu trữ ở đó. WHO đang tìm kiếm thêm thông tin và tiến hành đánh giá rủi ro”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục