Quân đội Thái Lan kiên quyết giữ lập trường trung lập

Lãnh đạo quân đội Thái Lan đã lại lên tiếng khẳng định sự trung lập giữa lúc bế tắc chính trị vẫn chưa có cách giải quyết.
Quân đội Thái Lan kiên quyết giữ lập trường trung lập ảnh 1(Từ trái sang phải) Tư lệnh lục quân Prayuth Chan-ocha và Tư lệnh tối cao Tanasak Patimapragorn, hai nhân vật quyền lực của Quân đội Thái Lan. (Ảnh: Hà Linh/Vietnam+)

Lãnh đạo quân đội Thái Lan đã lại lên tiếng khẳng định sự trung lập giữa lúc bế tắc chính trị vẫn chưa có cách giải quyết và lại xuất hiện thêm những lời kêu gọi đứng về phía phong trào biểu tình chống chính phủ từ những cựu binh cao cấp.

Tư lệnh lục quân đầy quyền lực Prayuth Chan-ocha cho biết ông có nhiều lý do để giữ cho các binh sĩ của mình đứng ngoài cuộc khủng hoảng chính trị. Quân đội sẽ giữ trung lập hơn bao giờ hết trong chính trị và sẽ vẫn thực hiện nhiệm vụ duy trì hòa bình và trật tự xã hội.

Ông Prayuth đánh giá rằng cuộc khủng hoảng hiện nay chưa từng có tiền lệ và mối quan tâm chính của quân đội là làm thế nào để ngăn chặn những xung đột chính trị bị đẩy lên thành nội chiến như ở một số quốc gia.

Những tranh cãi chính trị tại Thái Lan đã bị đẩy vào bế tắc khi cả hai phía ủng hộ và phản đối chính quyền đều bảo lưu quan điểm của mình. Phía phản đối nhất quyết đòi phải cải cách chính trị trước khi bầu cử, trong khi phía kia lại muốn bầu cử trước và sau đó tiến hành cải cách.

Phó Thủ tướng Phongthep Thepkanchana đã đề xuất rằng tiến trình cải cách chính trị Thái Lan sẽ phải được thực hiện, nhưng đây là một tiến trình lâu dài và có thể phải mất hai năm mới có thể thiết lập được một cơ chế cải cách cho hệ thống chính trị và bầu cử minh bạch. Bất kỳ đảng nào chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới đều sẽ phải trung thành với tiến trình cải cách trên để sau đó hai năm chính phủ sẽ tự giải tán quốc hội và tổ chức cuộc bầu cử mới.

Tuy nhiên, phong trào biểu tình chống chính phủ vẫn tiếp tục bác bỏ điều này. Nhóm này đã dọa sẽ phong tỏa tất cả các khu vực bỏ phiếu và gây rối loạn chính trị ở nhiều khu vực nhằm gây trở ngại cho cuộc bầu cử. Khả năng phong trào này cũng sẽ phối hợp với đảng Dân chủ, nơi từng tảy chay cuộc bầu cử 2005, để cản trở cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Kế hoạch của "liên minh" này có thể là kêu gọi cử tri bỏ phiếu "không bầu" trong cuộc bầu cử để không công nhận các ứng cử viên, qua đó sẽ làm cho kết quả bỏ phiếu không hợp lệ, với hy vọng mở đường cho tòa án hoặc quân đội can thiệp giải quyết bế tắc như đã từng xảy ra.

Phối hợp với phong trào biểu tình, một số tư lệnh quân đội nghỉ hữu đã lên tiếng kêu gọi các chỉ huy quân đội hiện nay đứng về phía nhân dân và buộc Thủ tướng Yingluck Shinawatra cùng toàn bộ Nội các của bà từ chức.

Trong một tuyên bố được phát công khai, Tư lệnh lục quân đến 1995 Wimol Wongwanich, Tư lệnh không quân đến 1997 Kant Phimanthip và Tư lệnh hải quân đến 1997 Wichet Karunyawanic đã đề nghị các tư lệnh hiện nay thể hiện lập trường và bảo vệ Hoàng gia cũng như đứng về phía nhân dân.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Thái Lan đã hoan nghênh tuyên bố này, nhưng khẳng định lập trường của quân đội là bảo vệ hiến pháp thông qua luật pháp. Trong khi đó, Bí thư thường trực Bộ Quốc phòng Niphat Thonglek cho biết Bộ Quốc phòng Thái Lan sẽ thảo luận với Ủy ban bầu cử để tìm cách đưa ra một đề xuất để quân đội có thể tham gia trợ giúp quá trình bầu cử. Ông này khẳng định Bộ Quốc phòng ủng hộ cuộc bầu cử diễn ra theo đúng lịch trình.

Tư lệnh lục quân Prayuth cho rằng mọi người đều có những quan điểm chính trị khác nhau, nhưng họ cần phải giải quyết được những bất đồng đó thông qua các biện pháp hòa bình, sử dụng cả phương phương chính trị và luật pháp để các cơ chế nhà nước có thể tiếp tục hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Quân đội không thể hành động theo lời gợi ý của bất kỳ ai vì làm như vậy sẽ chỉ thỏa mãn cho một phía.

Hậu quả của việc sử dụng vũ lực trong năm 2010 khiến hơn 90 người biểu tình áo đỏ thiệt mạng có thể đã cho quân đội một bài học về việc tại sao họ không nên chỉ phục tùng chính phủ. Đây chính là lý do tại sao quân đội không trấn áp phong trào chống chính phủ hiện nay.

Việc triển khai binh sỹ bảo vệ tòa nhà chính phủ trước sự tấn công của người biểu tình được thực hiện trong điều kiện duy trì an ninh, trật tự bên trong các tòa nhà. Binh sỹ luôn được chỉ thị trung lập và tránh đối đầu trực tiếp với người biểu tình.

Theo ông Prayuth, quân đội lo ngại về một cuộc "tắm máu" nếu họ đứng về phía người biểu tình và tổ chức đảo chính bởi phong trào Áo đỏ chắc chắn sẽ không khoanh tay đứng nhìn và cũng chẳng có gì đảm bảo cho một cuộc đảo chính thành công.

Trường hợp thành công thì cũng không giải quyết được những bất đồng chính trị hiện nay. Điều này đã xảy ra kể từ khi chính phủ của ông Thaksin Shinawatra bị lật đổ. Quân đội cũng lo ngại rằng một cuộc đảo chính nữa sẽ làm ảnh hưởng tới hình ảnh đất nước khi một Cộng đồng kinh tế ASEAN chuẩn bị được thành lập trong hai năm tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục