Quan hệ hợp tác song phương Lào-Việt Nam trong giai đoạn mới

Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã chính thức ra đời, đòi hỏi hai nước Lào và Việt Nam, nhất là các doanh nghiêp, cần phải chủ động chuẩn bị thật kỹ, phối hợp chặt chẽ, sâu rộng.
Quan hệ hợp tác song phương Lào-Việt Nam trong giai đoạn mới ảnh 1Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane. (Nguồn: Ảnh tư liệu)

Là một người gắn bó với Việt Nam, trong nhiều năm qua, Phó Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Lào-Việt Nam, ông Khampheuy Keokinnaly, luôn đau đáu tâm nguyện làm thế nào để tăng cường và phát triển mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước.

Thông tấn xã Việt Nam xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông về hợp tác song phương giữa hai nước trong giai đoạn mới.

Cùng chung một dải Trường Sơn với đường biên giới hơn 2.000km chạy dài từ Bắc tới Nam, quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam-Lào đã được hình thành, phát triển và được thử thách trong suốt chiều dài lịch sử. Trong hơn tám thập kỷ qua, nhờ nền móng vững chắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Suphanouvong kính yêu xây dựng và được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước vun đắp, bảo vệ bằng cả mồ hôi, xương máu, mối quan hệ thủy chung trong sáng, trước sau như một giữa hai dân tộc Lào-Việt Nam đã không ngừng được củng cố và ngày càng phát triển, trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc, là tiền đề chung để giúp hai nước cùng sóng bước trên con đường phát triển phồn vinh, đem lại hạnh phúc và ấm no cho nhân dân.

Mối quan hệ thủy chung, bền vững

Nhìn lại chặng đường hào hùng lịch sử đã qua, chúng ta có thể tự hào về quá trình hình thành và phát triển của mối quan hệ đặc biệt, hiếm có giữa hai dân tộc. Trong thời kỳ kháng chiến cứu nước, quân và dân hai nước đã luôn đồng cam cộng khổ, cùng sát cánh bên nhau trong một chiến hào trên tinh thần “Hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” với một tình cảm tin cậy, thủy chung mẫu mực trong sáng, chí tình chí nghĩa, trước sau như một. Nhờ quan hệ đặc biệt đó, quân và dân hai nước đã cùng đoàn kết giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác mà đỉnh cao là Đại thắng Mùa Xuân 1975 tại Việt Nam và Chiến thắng ngày 2/12/1975 tại Lào.

Hòa bình lập lại, Lào và Việt Nam vẫn tiếp tục đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trên mọi lĩnh vực, cùng khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng đất nước. Chính mối quan hệ đặc biệt và trước sau như một này đã giúp Việt Nam và Lào đạt được nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời cũng tạo điều kiện để quan hệ hợp tác gắn bó giữa hai nước ngày càng phát triển trên cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Điển hình là trong lĩnh vực đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Trong nhiều năm qua, đây lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của hai Chính phủ, đến nay số lượng cán bộ, sinh viên, nghiên cứu sinh Lào đang học tập, nghiên cứu tại Việt Nam lên đến hơn 9.295 người, trong khi lượng học sinh Việt Nam đang học tập tại Lào khoảng trên 400 người. Ngoài ra, để giúp Lào phát triển nguồn nhân lực, Chính phủ Việt Nam còn tập trung vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, điều hành, quản lý giáo dục, thiết bị dạy và học trong nhiều ngành nghề ở trung ương và địa phương của Lào…

Quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại cũng là một trong những lĩnh vực mũi nhọn được cả hai Đảng, hai Nhà nước chú trọng, khuyến khích, nhờ đó quan hệ kinh tế giữa hai nước trong những năm qua ngày càng phát triển. Trong năm vừa qua, để thúc đẩy và tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước, Việt Nam và Lào đã ký Hiệp định Thương mại song phương và Hiệp định Thương mại biên giới; đưa vào sử dụng cơ chế “kiểm tra một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu Densavan-Lao Bảo. Hiện tại, hai bên cũng đang tích cực triển khai kế hoạch tổng thể phát triển khu vực biên giới Lào-Việt Nam.

Nhờ quan hệ đặc biệt và sự quan tâm của hai Đảng và hai Chính phủ, trong những năm qua, đầu tư trực tiếp Việt Nam vào Lào liên tục tăng, và Việt Nam đang là nhà đầu tư lớn thứ ba tại Lào với tổng số vốn cam kết là 4,9 tỷ USD.

Ngoài ra, hai bên cũng chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối giữa hai nước và đang nghiên cứu phát triển dự án đường cao tốc nối Hà Nội-Vientiane. Để giúp Lào phát triển nhanh hơn, Việt Nam đã tạo điều kiện cho Lào sử dụng các cảng biển của Việt Nam, vừa qua hai bên đã thành lập Công ty cổ phần cảng Vũng Áng Lào-Việt Nam, đồng thời Việt Nam cũng cho phép Lào sử dụng cảng Hòn La để xây dựng kho ngoại quan và đường ống dẫn dầu vào Lào…

Quan hệ Lào-Việt Nam trong bối cảnh mới

Cuối năm 2015 vừa qua, Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã chính thức ra đời, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đem lại không ít thách thức cho việc phát triển kinh tế-xã hội của hai nước, điều này đòi hỏi hai dân tộc Lào và Việt Nam, nhất là các doanh nghiêp hai nước cần phải chủ động, chuẩn bị thật kỹ, phối hợp chặt chẽ, sâu rộng và thắt chặt hơn nữa sự tin cậy, mối quan hệ thủy chung nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư và du lịch; tập trung khai thác các thế mạnh chiến lược, tăng cường sản xuất hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường mỗi nước. Ngoài ra, doanh nghiệp hai bên cũng cần quan tâm xây dựng các nhân tố, cơ chế để có thể hỗ trợ lẫn nhau nhiều hơn trong công tác hòa nhập và kết nối ASEAN.

Để làm được điều này, hai bên cần tiếp tục tăng cường hơn nữa hợp tác song phương; tập trung mọi sức lực thực hiện bằng được nội dung tinh thần thỏa thuận mà lãnh đạo Đảng nước đã đề ra; tiếp tục củng cố và thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào-Việt Nam; góp phần vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Hai bên cần tiếp tục tăng cường giáo dục để các thế hệ con cháu mai sau hiểu được ý nghĩa sống còn của quan hệ Lào-Việt nhằm tiếp tục duy trì, vun đắp mối quan hệ đặc biệt này; không ngừng củng cố lòng tin chiến lược; tập trung giải quyết các vấn đề còn vướng mắc và bổ sung sửa đổi những hạn chế còn kìm hãm sự phát triển của hai bên; tích cực phát huy thế mạnh và tiềm năng của mỗi nước; phối hợp hài hòa quan hệ đặc biệt giữa hai nước một cách phù hợp với tập quán quốc tế; hỗ trợ, dành ưu tiên, ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhau; khuyến khích các bộ, ban ngành, địa phương và tổ chức quần chúng của hai nước trực tiếp hợp tác, ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau một cách có hiệu quả và thiết thực hơn; thúc đẩy hợp tác toàn diện với bước tiến mới, thành tựu mới, tạo điều kiện thuận lợi cho nhau trong hội nhập kinh tế khu vực và thế giới; quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng X Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Đại hội Đảng XII Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra; tạo bước đột phá mới cho mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, giúp cho mối quan hệ này ngày càng vững chắc và bền vững với thời gian./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục