Quan hệ Pháp-Đức: Khác biệt trong tinh thần xây dựng

Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị nguyên thủ quốc gia, Tổng thống Pháp đã gặp và hội đàm với Thủ tướng Đức.
Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị nguyên thủ quốc gia, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã gặp và hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel tối 15/5 tại Berlin.

Trong cuộc họp báo sau đó, ông Hollande nhấn mạnh hai nước Pháp và Đức có những mối liên hệ sâu nặng và có trách nhiệm lớn. Tổng thống Pháp cho rằng mối quan hệ đó phải được cân bằng và được tôn trọng. Ông Hollande nói: "Chúng ta phải làm việc cùng nhau vì những điều tốt đẹp đối với châu Âu".

Liên quan đến vấn đề tăng trưởng, Tổng thống Pháp Hollande nhấn mạnh mọi hành động được đưa ra phải xác thực và phương pháp tốt nhất là tất cả cùng "chơi bài ngửa" về mọi vấn đề từ đầu tư cho tương lai, trái phiếu châu Âu, sức cạnh tranh... Vượt qua những khác biệt, tân Tổng thống Pháp Hollande mong muốn mang lại một hình ảnh tin cậy, gắn kết trong mối quan hệ Pháp-Đức, vì hai nước và vì toàn thể châu Âu.

Liên quan đến Hiệp ước ngân sách châu Âu, ông Hollande ủng hộ việc giữ kỷ luật ngân sách, song cần phải có các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, bởi theo ông, nếu không có tăng trưởng, châu Âu sẽ không thể đạt các mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách như đã đề ra.

Thủ tướng Đức Merkel nhấn mạnh tăng trưởng là một khái niệm chung chung, có thể được tính đến bằng các biện pháp khác nhau. Bà sẽ thảo luận với ông Hollande về những quan điểm khác biệt có thể có trong vấn đề này. Hai nhà lãnh đạo Đức-Pháp cũng tỏ mong muốn giữ Hy Lạp ở lại trong Khu vực sử dụng đồng euro. Bà Merkel thông báo Pháp và Đức sẵn sàng có những biện pháp bổ sung để thúc đẩy tăng trưởng của Hy Lạp. Ông Hollande cũng nhắc lại việc Hy Lạp phải tuân thủ các cam kết đưa ra.

Dù những màn chào hỏi xã giao ban đầu với một số tín hiệu đồng thuận được phát đi từ bộ đôi lãnh đạo Đức-Pháp, song trong mối quan hệ lãnh đạo mới này, đang xuất hiện rõ những gót chân Asin cần được tính đến và giải quyết khéo léo.

Cặp đôi lãnh đạo với một tên gọi mới Merkhollande đang tồn tại những khác biệt. Một người theo đường lối xã hội-ông Hollande, người kia theo khuynh hướng dân chủ thiên chúa giáo-bà Merkel. Một người mới được bầu lên nắm quyền, người kia đã là nhà lãnh đạo từng trải. Một người ở thế có một lực lượng chính trị hậu thuẫn song đang gặp khó khăn về kinh tế ở trong nước, còn người kia ngược lại vừa nếm trái đắng sau thất bại bầu cử ở bang Bắc Rhine-Westphalia (bang đông dân nhất nước Đức), trong khi nền kinh tế vẫn giữ mức tăng trưởng hàng đầu châu Âu trong quý 1/2012, với tỉ lệ tăng trưởng 0,5%. Quả thực, những khác biệt giữa lãnh đạo Đức-Pháp đang đặt ra.

Khác biệt thứ nhất về quan điểm liên quan đến vấn đề tăng trưởng. Hai nước Đức và Pháp sẽ phải cùng xác định chính sách vừa đảm bảo kỷ luật ngân sách song cũng phải thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, hiện tại, hai nước không có cùng biện pháp xử lý. Thủ tướng Đức Merkel bảo vệ chính sách hướng mạnh xuất khẩu. Ở Đức, tỉ lệ thất nghiệp không vượt quá 6% và chi phí hạn chế cho lao động, cho phép các doanh nghiệp chiếm lĩnh thị phần quốc tế. Đó là một thành công của lãnh đạo Đức, dù rằng ngày càng có nhiều tiếng nói phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng này. Giới công đoàn đòi tăng lương cho người lao động. Trong khi các đối tác thương mại muốn kích cầu nội địa.

Đối mặt với chính sách "thắt lưng buộc bụng," Tổng thống Pháp Hollande đã xem việc thúc đẩy tăng trưởng là một trong những trụ cột trong dự án của ông. Tuy nhiên, ông Hollande chỉ đề xuất ủng hộ có chừng mực kích cầu tiêu dùng nhằm tiếp sức cho tăng trưởng trong ngắn hạn. Về dài hạn, ông Hollande đề nghị thúc đẩy tăng trưởng thông qua các hình thức đầu tư, ủng hộ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Khác biệt thứ hai liên quan đến nội dung của Hiệp ước về ổn định ngân sách. Đây cũng là một trong những điểm chính bất đồng giữa lãnh đạo hai nước. Ông Hollande đề nghị thêm phần quy định về tăng trưởng vào Hiệp ước kỷ luật ngân sách châu Âu. Còn bà Merkel cho rằng Hiệp ước này không thể thương lượng lại.

Hiện Thủ tướng Đức đang cần vượt qua hai thử thách: Một mặt, bà đang cần sự ủng hộ của đảng Xanh và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) để phê chuẩn Hiệp ước tại Nghị viện với đa số 2/3 nghị sĩ thông qua. Mặt khác, bà cũng phải vượt qua những khó khăn nặng nề theo quy định của Hiến pháp. Nguyên tắc "kỷ luật vàng" được quy định trong Hiệp ước đã được nêu trong Hiến pháp Đức. Chính vì thế, ông Hollande đang chiếm lợi thế, trong khi bà Merkel có thể sẽ phải che đậy bớt những khó khăn để chấp nhận thương lượng giữa hai nước về vấn đề này.

Khác biệt thứ bai là sự đoàn kết, hỗ trợ tài chính. Đức theo trường phái chính thống, ủng hộ việc tôn trọng những quyền hạn của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), trong đó có việc kiểm soát lạm phát. Sự độc lập của ECB đảm bảo cho thể chế này một chiến lược tiền tệ hiệu quả, tách biệt với mọi sức ép chính trị. Vì vậy, về lý thuyết, ECB không muốn cho các nước gặp khó khăn vay tiền. Sự từ chối thể hiện tình đoàn kết, hỗ trợ tài chính này khác với đề xuất phát hành trái phiếu châu Âu của Pháp cho phép đảo nợ và giảm bớt các thiệt hại cho nền kinh tế của nước gặp khó khăn. Trong khi Đức không muốn phải chi trả nhiều hơn cho những nước chi tiêu thâm thủng nặng.

Còn với ông Hollande, ngay từ khi chiến dịch tranh cử, đã bảo vệ việc cần thiết phải phát hành trái phiếu châu Âu và tỏ sự hỗ trợ, đoàn kết tài chính mạnh mẽ hơn. Một số dẫn chứng có thể cho thấy ông Hollande có lý. ECB, tự do trong chiến lược hành động, đã giúp đỡ nhiều nước gặp khó khăn, nhất là Hy Lạp, đồng thời mua lại một phần nợ công của những nước này. Hành động này được thực hiện với sự im lặng đồng thuận của cả Pháp và Đức nhằm duy trì độ tin cậy của ECB đối với các thị trường tài chính. Ngoài ra, cũng ngày càng có nhiều ý kiến phản đối việc thiếu vắng một sự quản trị chung kinh tế của châu Âu, làm tước đi của khu vực này một đòn bẩy quan trọng để chống lại nạn thất nghiệp.

Tình hữu nghị Pháp-Đức chắc chắn phải tiếp tục được gìn giữ, bởi thực tế cả hai nước có thể gặp nhau một số điểm chung: Dự án tái cấp vốn của Ngân hàng đầu tư châu Âu, cải cách các quỹ cơ cấu châu Âu, thậm chí cả việc tính phát hành trái phiếu cho các dự án, các khoản vay của châu Âu nhằm rót vốn cho các dự án lớn về cơ sở hạ tầng hay các ngành công nghiệp của tương lai... Tất cả những gì lãnh đạo hai nước phải thực hiện là nhằm tránh xảy ra hiện tượng một khu vực kinh tế rộng lớn ngập chìm trong chính sách "thắt lưng buộc bụng" song không có sự tiếp sức cho thúc đẩy tăng trưởng./.

Trung Dũng/Paris (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục