Quan hệ Việt Nam-Australia đang ở thời điểm phát triển tốt đẹp nhất

Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải cho rằng dù Việt Nam và Australia đã xác định được những trụ cột và những ưu tiên cho quan hệ chiến lược, nhưng vẫn còn lĩnh vực chưa được khai thác tối đa.
Quan hệ Việt Nam-Australia đang ở thời điểm phát triển tốt đẹp nhất ảnh 1Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Sydney Australia. (Ảnh: Văn Linh/TTXVN)

Quan hệ Việt Nam-Australia đang ở thời điểm phát triển tốt đẹp nhất cả về tầm chiến lược và mức độ sâu rộng của mối quan hệ. Đây là nhận định của Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải thuộc Trung tâm Tương lai chính sách, Đại học Queensland (Australia), trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Australia.

Đánh giá về những thành tựu cụ thể của mối quan hệ giữa hai nước, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải tập trung vào 3 lĩnh vực nổi bật và được chú trọng nhất là kinh tế, thương mại và đầu tư; giáo dục và đào tạo; chính trị, quốc phòng và an ninh.

Theo chuyên gia này, kinh tế và thương mại được xem là lĩnh vực ưu tiên trong phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Australia. Sau khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác thương mại và đầu tư song phương đã phát triển mạnh mẽ. Hai nước đặt mục tiêu sớm trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau và mục tiêu này đã trở thành hiện thực năm 2022 bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong hai năm trước đó.

Trong lĩnh vực hợp tác giáo dục và đào tạo, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh Australia là một trong những thị trường giáo dục nước ngoài thu hút nhiều sinh viên Việt Nam nhất. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng trở thành điểm đến ngày càng phổ biến của sinh viên Australia tham gia các khóa học ngắn hạn và trao đổi sinh viên theo chương trình “Kế hoạch Colombo Mới.”

Hợp tác trong lĩnh vực chính trị, an ninh và quốc phòng thể hiện mức độ tin cậy ngày càng cao giữa hai nước theo khuôn khổ đối tác toàn diện và đối tác chiến lược, trong đó nổi bật là việc Việt Nam và Australia thường xuyên thực hiện trao đổi đoàn cấp cao.

[Sự chuyển mình của Việt Nam dưới góc nhìn cựu Đại sứ Graham Alliband]

Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải nhắc lại năm 2019, Thủ tướng Australia khi đó là Scott Morrison sang thăm Việt Nam đã dành những lời tốt đẹp để nói về quan hệ song phương, đồng thời đánh giá hai nước xây dựng một “tình bạn thân thiết.”

Điểm đáng lưu ý là hai nước tuyên bố không chỉ tôn trọng “độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau” mà còn tôn trọng “hệ thống chính trị của nhau.” Việt Nam và Australia cũng thiết lập cơ chế họp thường niên cấp bộ trưởng ngoại giao để tăng cường hợp tác chính trị trong các vấn đề đối ngoại và khu vực. 

Bên cạnh đó, các hoạt động giao lưu quốc phòng giữa Việt Nam và Australia diễn ra dưới nhiều hình thức, bao gồm thăm hữu nghị của các tàu chiến thuộc lực lượng Hải quân Hoàng gia Australia đến Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Khánh Hòa. Hai bên cũng tăng cường trao đổi và chia sẻ thông tin và hợp tác an ninh. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải nhận định đây là những hoạt động chỉ diễn ra giữa các đối tác chiến lược có sự tin cậy chính trị cao.

Nhìn lại chặng đường 50 năm qua trong quan hệ Việt Nam-Australia, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải cho rằng có 6 yếu tố góp phần tạo dựng và phát triển quan hệ hai nước.

Thứ nhất, đó là tầm nhìn chiến lược và quyết tâm chính trị từ hai phía để không chỉ vượt qua những thách thức, rào cản của quá khứ mà còn tạo động lực thúc đẩy quan hệ song phương phát triển như hiện nay. Thứ hai là nhu cầu của mỗi nước, xuất phát từ lợi ích quốc gia.

Thứ ba là lợi ích song trùng và điểm tương đồng, đặc biệt là đối với các vấn đề lợi ích chiến lược, lợi ích cốt lõi, quan điểm về an ninh, hòa bình, trật tự khu vực và thế giới. Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải khẳng định không có các yếu tố trên thì mối quan hệ khó có thể thân thiết và đi vào chiều sâu. Tiếp đến là cơ hội và tính bổ trợ cho nhau trong hợp tác kinh tế và thương mại.

Việt Nam là thị trường rộng lớn với gần 100 triệu dân và nằm trong số các nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất ở châu Á và trên thế giới. Trong khi đó, Australia đang có nhu cầu đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Thứ năm là sự gắn kết của cộng đồng người Việt với quê hương và với Australia. Cộng đồng này không chỉ là cầu nối mà còn là động lực thúc đẩy quan hệ hai nước.

Và cuối cùng là  xu hướng và những chuyển động trong quan hệ quốc tế ở khu vực và trên thế giới. Tuy đây là yếu tố bên ngoài, nhưng cũng tác động đến việc xây dựng và hoạch định chính sách đối ngoại của hai nước cũng như quan hệ song phương. 

Quan hệ Việt Nam-Australia đang ở thời điểm phát triển tốt đẹp nhất ảnh 2Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Thủ tướng Australia Anthony Albanese. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải cho rằng dù Việt Nam và Australia đã xác định được những trụ cột và những ưu tiên cho quan hệ chiến lược, nhưng vẫn còn lĩnh vực chưa được khai thác tối đa, đó là hợp tác trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật. Ông cho rằng đây mới là sợi dây gắn kết lâu bền nhất, đem lại sự gần gũi và thân thiết trong quan hệ hai nước.

Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải nhận định giao lưu văn hóa và nghệ thuật chính là một phần trong tổng thể của giao lưu nhân dân, một trong những trụ cột của quan hệ song phương như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định trong chuyến thăm Australia tháng 11/2022.

Đánh giá về tiềm năng hợp tác, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải cho rằng triển vọng hợp tác giữa hai nước là rất lớn. Việt Nam và Australia đã cam kết sẽ tiếp tục hợp tác cùng nhau để góp phần định hình tương lai của khu vực và thế giới thông qua các cơ chế đa phương như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS).

Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải nêu rõ hai nước có quan điểm tương đồng và nhất trí về sự cần thiết phải đảm bảo tự do và an ninh hàng hải, hàng không, tuân thủ luật pháp quốc tế tại Biển Đông, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Hai bên cũng nhất trí rằng mọi tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình, không đe dọa hay sử dụng vũ lực.

Hợp tác cùng chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy kinh tế xanh và năng lượng sạch là những lĩnh vực được nêu trong Tuyên bố chung giữa hai nước về Cam kết hành động thiết thực về khí hậu bên lề Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) năm 2021 trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Scott Morrison, thể hiện cách tiếp cận tập trung vào kết quả của hai nước đối với COP26 và sự chú trọng của Việt Nam và Australia đối với những nỗ lực thiết thực nhằm đạt được các mục tiêu về khí hậu.

Cả hai nước đều cam kết đưa lượng phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Australia đang chuyển dần sang xuất khẩu năng lượng tái tạo bao gồm cả khí xanh và đặt mục tiêu trở thành cường quốc về năng lượng xanh. Australia có thể cung cấp và hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu giảm khí thải, phát triển kinh tế xanh, kinh tế sạch để góp phần vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu, mà trước hết là chống biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam.

Việt Nam và Australia hiện duy trì mối quan hệ chiến lược và sắp tới có thể nâng cấp lên thành đối tác chiến lược toàn diện, vì vậy, theo Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải, hai nước có thể đặt trọng tâm hợp tác chiến lược vào các lĩnh vực chủ chốt như đổi mới sáng tạo, đặc biệt là công nghệ số; quốc phòng và an ninh; hợp tác văn hóa, đẩy mạnh giao lưu nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục