Quán Internet gần trường học tiếp tục hoành hành

Nhiều đại lý Internet gần trường học dưới 200m lại tiếp tục hoạt động, một số trường hợp vẫn mở cửa qua đêm phục vụ các game thủ.
Sau những biện pháp quyết liệt của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội vào cuối năm 2010, nhiều đại lý Internet gần trường học dưới 200m lại tiếp tục hoạt động. Một số trường hợp vẫn mở cửa qua đêm phục vụ các game thủ.

Trắng đêm chơi game

Xin mẹ đi sinh nhật, nhưng đã quá nửa đêm mà đứa con trai vẫn chưa về nhà, bà Nguyễn Thị Hằng (Văn Quán, Hà Đông) như ngồi trên đống lửa.

Gọi điện đến nhà bạn của con, nhận được tin cậu quý tử đã đi về nhà từ lúc 9 giờ, bà Hằng vô cùng sốt ruột. Mặc trời mưa, bà dắt chiếc xe máy phi ra ngoài tìm kiếm, với hy vọng nếu đứa trẻ có bị tai nạn trên quãng đường về nhà thì cũng có dấu vết. Thế nhưng hỏi khắp dọc đường, bà cũng không tìm được manh mối gì.

Thất vọng, bà Hằng về nhà, thì đã thấy cậu con “lù lù” ngay bên hiên cửa. Sau một hồi tra hỏi, cậu cho hay do bạn bè rủ rê vào chơi điện tử, mải quá không nhìn giờ…

Đó chỉ là một trong nhiều câu chuyện dở khóc dở cười mà những đứa trẻ mê game gây ra cho gia đình mình.

Theo bà Hằng, đứa con trai của bà vốn ngoan ngoãn, học giỏi. Ở nhà có máy tính, kết nối Internet nhưng chẳng mấy khi cậu động đến game. Tuy nhiên, thời gian gần đây con bà có dấu hiệu học sút đi. “Có lẽ nó đua đòi theo chúng bạn rồi ‘nghiện’ game lúc nào không biết,” bà lẩm bẩm.

Ở một trường hợp khác, chị Hương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) kể rằng, đi làm mãi tận Từ Liêm, nhưng chiều nào chị cũng tranh thủ về sớm đón con ở trường Tiểu học Trần Nhật Duật. Thế nhưng, có lần chị đợi cho đến khi sân trường không một bóng người mà vẫn chưa thấy con đâu. Cuối cùng, chị tìm đến các quán Internet ở gần trường thì mới bắt gặp cậu quý tử đang mải mê trò “Đế chế” với các bạn.

“Năm ngoái, thấy báo chí đưa tin cơ quan chức năng mạnh tay lắm trong việc dẹp các quán Internet gần trường học, thế nhưng quán Internet con tôi ngồi cách trường học có lẽ chưa đầy 100m,” chị Hương phàn nàn.

Để tìm hiểu, phóng viên Vietnam+ cũng đã chứng kiến cảnh thâu đêm cùng các game thủ tại một quán Internet ở Thanh Trì, Hà Nội. Chỉ đến khi vãn khách, chủ quán này mới “đuổi” khéo vài người còn lại để đóng cửa.

Tại một số khu vực khác ở Bách Khoa, mặc dù bên trong đại lý Internet vẫn có tiếng người chơi game, nhưng cửa bên ngoài đã được đóng kín. Một người xe ôm ở khu vực này cho hay, đây là hiện tượng hết sức bình thường. Thậm chí, có những hôm, các game thủ còn xô xát với nhau gây náo loạn cả khu phố.

Nhiều cách "lách"


Ngày 21/4, tại cuộc họp giao ban của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, ông Hứa Đức Thịnh, Trưởng phòng văn hóa thông tin thị xã Sơn Tây cho hay, từ đầu năm đến nay ở địa bàn này xuất hiện 2 đại lý Internet cách trường học dưới 200m.

Trong hai trường họp này, có một đại lý được cấp giấy phép. Tuy nhiên, phòng của ông không hề hay biết. “Đây vẫn là bất cập. Do đó, tôi kiến nghị cần chuyển việc cấp giấy phép kinh doanh đại lý Internet sang phòng Văn hóa thông tin để tiện bề quản lý. Khi ấy, chúng tôi sẽ chủ động hơn trong việc quản lý đại lý cách trường học không đúng quy định,” ông Thịnh nói.

Thống kê của Sở này cũng cho thấy, thời gian gần đây 77 đại lý Internet gần trường học dưới 200m vẫn hoạt động. Mặc dù hạ biển, khóa cửa bên ngoài, tắt điện nhưng bên trong mọi việc vấn diễn ra bình thường.

Thậm chí, chủ đại lý còn ký hợp đồng cùng một lúc với nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet để khi cơ quan chức năng cắt đường truyền này, thì họ còn đường khác để hoạt động. Hoặc, chủ đại lý nhờ người khác đứng ra ký hợp đồng đường truyền Internet cá nhân…

Cũng trong thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 28 đại lý Internet trên địa bàn 5 quận, huyện (Đống Đa, Hai Bà Trưng, Mê Linh, Ứng Hòa). Các đại lý này đều chưa chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet.

Cụ thể, các đại lý đều không trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy, không cài đặt phần mềm quản lý Internet, không lưu trữ thông tin người sử dụng… Và, đoàn thanh tra đã xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 13,5 triệu đồng.

Sở này cũng đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet kiên quyết cắt đường truyền tới các đại lý này.

Như vậy, có thể thấy rất rõ việc các đại lý Internet vẫn “nhởn nha” với pháp luật. Mặc dù cuối năm 2010, các cấp ngành của Hà Nội đã ráo riết thực hiện nhiều biện pháp cấm các đại lý Internet hoạt động qua đêm (từ 22 giờ đến 8 giờ sáng), gần trường học dưới 200m nhưng cho đến nay, mọi việc vẫn diễn ra khá phức tạp.

Ông Hứa Đức Thịnh cho rằng, cần phải có biện pháp mạnh hơn với những trường hợp chống đối khi lực lượng chức năng đến dẹp. Ví dụ như việc khi các cơ quan đến 1 đại lý thì lập tức họ sẽ thông báo cho nhiều đại lý đóng cửa để tránh kiểm tra…

Biện pháp mạnh ở đây có thể là cắt điện, nước hoặc xử phạt dưới hình thức tăng nặng.

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội thì cho rằng, bên cạnh việc các doanh nghiệp cung cấp đường truyền Internet cắt đường truyền với các đại lý gần trường học dưới 200m thì Công an Hà Nội cần tăng cường công tác phối hợp với Sở, chỉ đạo cơ quan công an địa phương cùng kiểm tra, thanh tra các đại lý Internet trên địa bàn.

Hy vọng với sự tiếp tục ra quân này, Hà Nội sẽ dần “sạch bóng” những đại lý Internet gần trường học và cho khách hàng chơi qua đêm. Có vậy mới mong giảm bớt được những tác dụng phụ không mong muốn của nó tới toàn xã hội./.

Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông đến tháng 3/2011 cho thấy, hiện có 59 trò chơi trực tuyến được phê duyệt nội dung kịch bản, đang được phát hành.

Có 34 trò chơi trực tuyến đã ngừng lưu hành tại Việt Nam. Trong đó, có những trò đã từng khá “đình đám” trong giới game thủ như: Cửu long tranh bá (VinaGame), Tam Quốc diễn nghĩa (Vincom), Gunboud (Châu Á mềm), Thành cát tư hãn (Công ty Thế giới ảo)…
Vũ Huy Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục